.

Mừng và lo!

.

Với 4 bàn thắng và đạt 8 điểm sau 4 trận, tương lai đã không quá mờ mịt với Lê Huỳnh Đức và các học trò. Đáng nói hơn, cả 4 bàn thắng ấy đều có cùng một tác giả là Almeida Jose de Emidio.

Niềm vui chiến thắng của Đà Nẵng đồng nghĩa với tần suất ghi bàn của Almeida.
Bản năng “sát thủ” của tiền đạo cao kều người Brazil này được bùng nổ đúng lúc không chỉ giải tỏa cho “tướng” Đức hay bầu Hiển mà cả cho những đồng đội của anh trong màu áo SHB Đà Nẵng. Để đến sau vòng đấu thứ 11 V-League 2008, Almeida đã ghi đến 9/11 bàn thắng cho Đà Nẵng. Chỉ mới mùa bóng trước, Almeida đã giành ngôi “Vua phá lưới V-League 2007” với 16 bàn thắng trong tổng số 33 bàn thắng của Đà Nẵng, vừa đoạt luôn danh hiệu “Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất V-League 2007” hoàn toàn xứng đáng. Hiện còn kém Jesuel M.Trindade (Thép - Cảng) 2 bàn nhưng cơ hội săn tìm danh hiệu với tiền đạo 27 tuổi này còn rất lớn.

Thế nhưng, chính “cái duyên” ghi bàn của “cây sào” 1,93 mét này lại gợi lên nỗi lo rất lớn cho Đà Nẵng. Khi đang băng băng, tưởng chừng một mình về đích khi V-League 2007 bước vào giai đoạn cuối, việc Almeida vắng mặt do chấn thương rồi thẻ phạt khiến Chủ tịch CLB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa lẫn HLV Phan Thanh Hùng sốt ruột trông thấy, như ông Hòa từng khẳng định: ”Mất Almeida trong giai đoạn này, chắc chắn Đà Nẵng sẽ rất khó khăn”. Quả thật thực tế sau đó đã minh chứng cho sự khẳng định trên.

Đầu mùa giải này, khi vời được Amaobi về, SHB Đà Nẵng tưởng “bắt được vàng” khi với “khẩu pháo 2 nòng A-A”, việc đánh bại các đối thủ hẳn không khó. Nhưng chẳng mấy người “thuộc bài” dẫu từng biết rằng, Amaobi vốn “lắm tài” nhưng lại “rất lắm tật”. Thế là, “xôi hỏng, bỏng không” khi Amaobi “giở quẻ” và SHB Đà Nẵng đành nhờ VFF phán xử! Để rồi, đến hết lượt đi, trọng trách ghi bàn gần như vẫn chỉ là “chuyện riêng” của Almeida.

Biết là khó nếu chỉ trông chờ vào bản năng săn bàn của “cây sào” này song cho đến bây giờ, SHB Đà Nẵng vẫn chưa tìm được giải pháp cần thiết nào để cải thiện hàng công. Ở mùa giải trước, ngoài Thành Thông (đã chuyển về Bình Dương), các cầu thủ còn lại của Đà Nẵng như Văn Hùng (mùa này về Vinakansai Ninh Bình), Văn Mẹo, Rogerio hay Lương Phúc… đều từng tung lưới đối phương. Vậy mà, cho đến nay, ngoài Amaobi và Thanh Phúc - với bàn thắng đầu tiên sau hơn 4 mùa khoác áo chuyên nghiệp - đều cùng ghi được 1 bàn thắng, những tên tuổi còn lại của SHB Đà Nẵng hầu như… quên mất cách ghi bàn. Mới đây, Giám đốc Điều hành Bùi Xuân Hòa cho biết, đã có không ít tiền đạo nước ngoài đến thử việc, song vẫn chưa có một cầu thủ nào lọt vào “tầm ngắm” của Ban huấn luyện.

Hẳn nhiên, bất kỳ một đội bóng nào cũng cần thiết có một vài “ngôi sao” thực sự và có khả năng làm xoay chuyển trận đấu trong một vài khoảnh khắc lóe sáng. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc SHB Đà Nẵng chỉ dựa vào “chân tiền” Almeida như bấy nay. Trong lúc đó, việc tuyển chọn những nhân tố mới sẽ chứa đựng ít nhiều may - rủi khi những người mới đến vẫn còn cần thời gian để có sự hòa nhập cùng lối chơi toàn đội cũng như khả năng hỗ trợ cho mũi nhọn còn lại trên hàng tấn công. Vì thế, “bài toán hàng công” đang là một thử thách rất lớn với Lê Huỳnh Đức trong giai đoạn còn lại của mùa giải này. Nếu không tìm ra lời giải, con đường phía trước của SHB Đà Nẵng sẽ còn lắm gian nan như mùa giải trước, một khi “sát thủ” Jose vắng mặt trên hàng công…

BẢO AN

;
.
.
.
.
.