.

Olympic 2008: Vì sao chân giả được đua với chân lành?

.

Hồi giữa tháng 5 năm nay (2008), Oscar Pistorius vận động viên điền kinh Paralympic người Nam Phi đã thỏa nguyện ước đời mình: được phép thi chạy với những vận động viên lành lặn tại Olympic 2008.

Đây là kết quả phản quyết của Tòa án Thể thao vùng Lausanner nước Switzerland về vụ kiện Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) của Oscar Pistorius. Tòa này đã bác bỏ quyết định ngày 14 tháng giêng năm 2008 của IAAF không cho “ông chân giả” chạy đua với các vận động viên điền kinh lành lặn như sau: “IAAF đã không đủ chứng cớ để khẳng định lợi thế trao đổi chất trong cơ thể Oscar Pistorius khi sử dụng thiết bị nhân tạo đặc biệt (chân giả) để chạy đua với vận động viên lành lặn.”

Vì sao Pistorius lại đâm đơn kiện? Căn cớ của vụ án hi hữu này như sau: Pistorius là người bị cụt hai cẳng chân (dưới gối) và ông đã sử dụng loại chân giả hình chữ J (hình chân báo), làm bằng sợi carbon do hãng Ossur chế tạo, để chạy. Phiền toái đến với Pistorius khi ông đạt được thành tích khá cao tại một cuộc thi chạy quốc tế năm 2007. Nhiều ủy viên của IAAF nghi ngờ rằng “đôi chân giả” đã giúp Pistorius chạy hơn người một cách không công bằng. Ngay lập tức IAAF đã đưa ra quy định cấm sử dụng các thiết bị kỹ thuật, chẳng hạn bánh xe, lò xo, trong các cuộc đua điền kinh quốc tế và đồng thời quyết định xem xét trường hợp Pistorius.

IAAF đã chỉ đạo một cuộc nghiên cứu hai ngày về chân giả do giáo sư người Đức Gert-Peter Brüggemann cầm đầu. Dựa trên các dữ liệu xét nghiệm, IAAF đã kết luận Pistorius thực sự có lợi thế không bình đẳng so với các vận động viên điền kinh lành lặn, đồng thời tuyên bố rằng Pistorius chạy ít tốn sức hơn người khác đến 25%.

Quá ngạc nhiên với những tuyên bố đó, các luật sư của Pistorius đã nhờ Giáo sư Hugh Herr thuộc Viện Công nghệ Masachuset (MIT) đánh giá tính đúng đắn khoa học trong cuộc nghiên cứu trên của IAAF. Giáo sư Herr, hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu cơ chế sinh học tại MIT, đồng thời là Phó giáo sư khoa học và công nghệ về sức khỏe con người của Harvard, đã thiết lập một nhóm chuyên gia về cơ sinh học và sinh lý học từ sáu trường đại học để đánh giá bằng chứng khoa học của IAAF.

Để biết nhóm của Herr đánh giá thế nào mà cuối cùng đã giúp Pistorius thắng kiện, xin mời xem cuộc trả lời báo chí của Herr sau cuộc nghiên cứu.

Hỏi: Báo cáo khoa học của IAAF đã đưa ra những tuyên bố gì?

Đáp: Tuyên bố thứ nhất của IAAF liên quan đến năng lượng trao đổi chất mà Pistorius phải tiêu hao trong khi chạy. Họ nói rằng bởi vì Pistorius dùng chân giả dạng bàn chân con báo trong cuộc đua nước rút nên đã tiết kiệm được 25% năng lượng tiêu hao. Tuyên bố thứ hai của IAAF nói rằng chân giả dạng bàn chân báo sẽ sản sinh ra năng lượng lớn hơn năng lượng từ phức hợp mắt cá chân của con người khi chạy nước rút. Nhờ thế mà Pistorius đã có được thành tích không tự nhiên.

Hỏi: Với tuyên bố thứ nhất, thì IAAF dựa vào đâu mà tuyên bố như vậy? Còn ông, ông đã có bằng chứng khoa học nào để phủ nhận tuyên bố đó?

Đáp: Trong một cuộc đua nước rút (đua tốc độ cao, quãng đường ngắn), con người ta sử dụng hai nguồn năng lượng: năng lượng háo khí và năng lượng yếm khí. Vấn đề là ta chỉ có thể đo được năng lượng háo khí. Còn thì chẳng đâu đo được năng lượng yếm khí dù là ở Đức hay ở Mỹ, đơn giản là vì chẳng thể nào định lượng chính xác được nó. Trong khi đó thì IAAF nói rằng họ định lượng được nó và còn đưa ra con số chính xác là tiết kiệm được 25% năng lượng này trong cuộc chạy nước rút 400m. Đây là một sai sót nghiêm trọng, bởi vì không cách gì định lượng được nó ở những vận tốc cao như thế này. Thậm chí không ai biết được liệu năng lượng này được tiết kiệm hay hao phí thêm.

Hỏi: Vậy IAAF đã đo nguồn năng lượng yếm khí này như thế nào để có thể đưa ra tuyên bố trên?

Đáp: Họ đo chất lactat có trong máu. Nhưng lại một lần nữa (nếu ai đã được học ở trường phổ thông ngày nay đều hiểu về cơ chế trao đổi chất năng lượng yếm khí) người ta có thể kết luận ngay rằng đo chất lactat trong máu chẳng thể suy ra năng lượng yếm khí sản ra. Đối với năng lượng háo khí thì người ta xác định bằng cách đo lượng oxy hít vào và lượng CO2 thải ra của người chạy. Chúng tôi đã đo lượng tiêu hao năng lượng háo khí này cho cả Pistorius và các vận động viên điền kinh lành lặn khác và không thấy sự khác biệt đáng kể nào. Nếu IAAF có quy trình xem xét lại nghiên cứu của họ, tương tự như chúng tôi đã làm, trước khi bạn lệnh cấm thi đấu đối với Pistorius thì họ đã phát hiện ra điều này.

Hỏi: Còn tuyên bố thứ hai thì nói rằng bàn chân giả sản ra năng lượng nhiều hơn bàn chân thật. Bằng cách nào mà IAAF tuyên bố như vậy? Và tại sao ông tin là tuyên bố đó có sai sót?

Đáp: IAAF quan sát năng lượng cơ học tại khớp mắt cá chân người khi chạy nước rút 400m và phát hiện ra rằng mắt cá chân hấp thu năng lượng nhiều hơn năng lượng nó sản ra. Điều này đúng (họ dùng các công cụ chuẩn để đo momen mắt cá chân và lực), nhưng câu chuyện lại nằm ở chỗ là họ kết luận rằng cơ thể người đã tiêu hao năng lượng hấp thu đó. Nên biết rằng còn có một giả thuyết khác là năng lượng không bị hấp thụ, trái lại nó được chuyển đến đầu gối. Trong cơ thể chúng ta có các bắp cơ nối với nhiều điểm, ví dụ, bắp cơ chân nối mắt cá với đầu gối. Theo nghĩa sinh cơ học, chúng ta biết rằng mục đích của các bắp cơ đó là giúp cơ thể truyền năng lượng qua các điểm được nối. IAAF đã không để ý khả năng này, thay vào đó họ đưa ra lý thuyết cho rằng năng lượng bị hấp thụ đã được cơ thể hoàn toàn thải ra ngoài. Vì thế họ suy ra rằng chân (chữ I) của người bình thường có điểm bất lợi so với chân giả hình chân báo (chữ J), một dạng lò xo, bởi vì chân người hấp thụ năng lượng nhiều hơn phần năng lượng nó sản ra và phần chênh lệch đó bị tiêu hao thành nhiệt độ.

Hỏi: Giả sử IAAF cũng cho rằng năng lượng hấp thụ được chuyển đổi thay vì tiêu hao thành nhiệt, thì liệu rằng năng lượng đo được tại khớp mắt cá chân và tại bàn chân giả có tương tự nhau?

Đáp: Theo nghĩa tích luỹ năng lượng thì đúng. Và tiện đây cứ cho rằng thuyết đầy đủ của họ là thế này: yếu tố khớp mắt cá chân hấp thụ năng lượng nhiều hơn năng lượng nó sản ra hay năng lượng sản ra nhiều hơn năng lượng hấp thụ có ảnh hưởng quyết định cho người thắng cuộc chạy đua 400m. Thì đó vẫn là một định đề đầy nghi ngờ.

Peter Weyand (thành viên nhóm nghiên cứu của giáo sư Herr, Giám đốc Labo nghiên cứu sự vận động của Đại học Rice) chuyên gia nghiên cứu về chạy nước rút và các yếu tố quyết định tốc độ chạy cực đại đã phát hiện ra rằng một người chạy nhanh sẽ tạo ra một lực rất lớn lên mặt đất trong quãng thời gian ngắn. Người chạy chậm không thể gây ra một lực lớn như vậy. Yếu tố quan trọng cho sự chạy nhanh không phải là sự hoạt động của khớp mắt cá chân. Yếu tố quan trọng đó chính là sự huy động toàn bộ cẳng chân để tạo ra một lực rất lớn lên mặt đất trong khoảng thời gian rất ngắn. Ngay lúc này, cả chúng tôi và Dr. Brüggemann đều thấy rằng lực tác động lên mặt đất của Pistorius hơi nhỏ hơn so với các vận đông viên lành lặn khác. Điều này chứng tỏ rằng lực của Pistorius bị giới hạn, bởi vì dù sao đôi chân giả đó cũng chỉ là cái lò xo, nó không thể tạo ra được lực lớn như của toàn bộ đôi chân lành lặn.

Các nghiên cứu của chúng tôi hiện nay không phải để phủ nhận những dữ liệu nghiên cứu của IAAF mà chỉ để nói rằng các kết luận suy diễn từ dữ liệu là có vấn đề. IAAF còn hàng tá vấn đề cần phải chứng minh. Nếu họ muốn cấm Pistorius và có lẽ tất cả người dùng chân giả tham gia thí đấu điền kinh quốc tế, thì họ phải chỉ ra một cách khoa học rằng chân giả sẽ tạo ra lợi thế hơn hẳn người lành lặn khi chạy đua. Đây là điều rất quan trọng, người ta phải rất cẩn thận với khoa học. Vì thế cần phải có độ chắc chắn rất cao về những vấn đề cơ sinh học, năng lượng học mà chân giả có thể ảnh hưởng đến. Brüggemann đã chọn lọc một số thử nghiệm và dựa trên dữ liệu của số thử nghiệm hạn chế đó để đưa ra kết luận khoa học có vẻ như là rất chắc chắn, là điều chúng tôi không đồng ý. Và còn xấu hơn nữa là việc IAAF đã cho ra thông báo rộng rãi rằng Pistorius có lợi thế không công bằng trong chạy đua 400m.

Hỏi: Liệu nhóm nghiên cứu của ông đã có nghiên cứu gì thêm để chỉ ra rằng hoặc đánh giá khoa học của IAAF có thiếu sót, hoặc Pistorius chẳng có lợi thế gì cả khi chạy đua?

Đáp: Chúng tôi đã tiến hành một thực nghiệm không liên quan gì tới các tuyên bố của IAAF. Chúng tôi chọn một vận động viên điền kinh và yêu cầu anh ta chạy với nhiều vận tốc khác nhau và chúng tôi đo thời gian anh ta duy trì mỗi mức vận tốc đó. Và qua đó hình thành đồ thị đường cong vận tốc - thời gian. Trên thực tế, khoảng thời gian chạy với tốc độ thực sự nhanh là rất ngắn. Tốc độ chạy càng chậm thì khả năng duy trì thời gian cho vận tốc đó càng dài. Các vận động viên điền kinh lành lặn rất phù hợp với đồ thị chuẩn này. Chúng tôi từng nghĩ với Pistorius, do phải dùng chân giả, có thể không cho đồ thị giống thế này. Thế nhưng khi thử nghiệm, thì đồ thị của Pistorius cũng hoàn toàn trùng hợp với đồ thị chuẩn. Điều đó chỉ ra rằng Pistorius cũng hao tổn sức lực không kém vận động viên lành lặn.

Hỏi: Phán quyết của Tòa thể thao vừa rồi có tầm ảnh hưởng như thế nào?

Đáp: Trước hết, các phán quyết đó cho Pistorius cơ hội yêu cầu IAAF rút lại lệnh cấm thi chạy đối với anh. Nhưng xét ở tầm mức toàn thể, thì phán quyết đó là một sự tiến bộ giúp người khuyết tật được hòa nhập đầy đủ với xã hội. Ngay hiện nay, một số người vẫn không chấp nhận những vận đông viên điền kinh đặc biệt (với chân giả hoặc tay giả). Họ cho rằng người khuyết tật không thể làm tốt được việc đó. Không bao giờ họ thừa nhận Pistorius lại có thể là một vận động viên chạy thi xuất sắc, thậm chí họ còn nghĩ anh ta đã dùng xảo thuật.

Đã có quá nhiều hiểu biết về cơ chế hoạt động của cơ thể người, về tác dụng của những dụng cụ hỗ trợ, chẳng hạn như dày dép, các vật dụng nhân tạo, lên cơ thể người. Rồi sẽ đến ngày người ta sẽ phát minh ra một vật dụng đa năng, tinh vi, giúp vận động viên đạt thành tích cao cho mọi môn tham gia (như nhày cao hơn, chạy nhanh hơn, ném xa hơn...). Biết nói thế nào đây cho các cuộc chơi thể thao khi ngày ấy đến.

Hoàng Quang Tuyến

Nguồn: AFP, Reuters, TechReviews

;
.
.
.
.
.