.

Góc buồn sân cỏ

.

Những số tiền chóng mặt hàng triệu bảng Anh, hàng triệu euro, những chuyến đi xuyên lục địa như con thoi của những người đại diện cầu thủ, các nhà quản lý đội bóng, những cãi vã tranh chấp, thậm chí công kích, phê phán nhau về ý nghĩa và thực chất chuyện mua bán cầu thủ, khiến cho thế giới bóng đá vào mùa chuyển nhượng có vẻ đang sống những ngày sôi động, ầm ĩ và rối rắm nhất từ trước đến nay.
 

S. Blatter đã nhắc nhở các CLB chớ hành xử với cầu thủ như những nô lệ thời đại qua chuyện bán mua, chuyển nhượng.


Chưa nguôi cuộc tranh luận ầm ĩ chung quanh số phận của chân sút tài năng người Bồ Đào Nha C. Ronaldo - cuộc tranh luận lôi cả người đứng đầu nền bóng đá thế giới S. Blatter vào mớ hỗn độn - đã rộ lên chuyện đi hay ở của những Drogba, Lampard, Shevchenko với những cuộc ngã giá loạn xì ngầu. Và khi tương lai của Robinho chưa biết trôi dạt về đâu - ở lại Real Madrid hay đầu quân cho Chelsea - thì công chúng lại bị kéo theo những cuộc ngã giá nước rút giữa bộ ba CLB Barcelona, Manchester City, AC Milan quyết định sự nghiệp của Ronaldinho…

Nếu phải phác họa chân dung cô đọng về mớ bùng nhùng bán mua cầu thủ những ngày này, có thể lấy hình ảnh cầu thủ như con rối ngơ ngác giữa vòng vây chen lấn, xô đẩy, giành giật của các tỷ phú sân cỏ, những ông bầu dùng chuyện bóng đá như một phần không thể thiếu trong hành trình làm giàu của bản thân mình.
 
Trong chừng mực nào đó, sự hồn nhiên vốn có của sân cỏ bị tước đoạt trắng trợn bởi tham vọng của một số ông chủ giàu có, khiến nhiều lúc nhìn góc nào người ta cũng thấy màu xanh tươi mát của thảm xanh sân bóng bị che lấp bởi màu bạc của đồng tiền. Đôi chân cầu thủ lắm lúc được rao bán và ngã giá chẳng khác gì một món hàng giữa chợ, người này lật qua, kẻ khác níu lại. Cái đẹp tinh anh của sân cỏ từng làm say đắm bao con tim dường như không còn chỗ đứng.

Bạn có tin rằng Ronaldinho - chân sút thất sủng ở Barcelona - giờ đã là người của AC Milan khi mà trước đây chưa lâu, mọi động thái cho thấy anh sẽ được tỷ phú người Thái Thaksin mua về như một thương vụ kinh điển nhất trong hành trình đánh bóng tên tuổi cho những mục tiêu ngoài bóng đá của cựu Thủ tướng Thái Lan? Ông chủ Laporta của Barcelona sau khi công bố mức giá 25 triệu bảng Anh mà đội Manchester City của ngài Thaksin đề nghị liền nhận được cú chạy nước rút của đội bóng thành Milan.

Ronaldinho rời khỏi Barcelona và ràng buộc số phận với AC Milan cho đến tận cuối tháng 6-2011.

Và rồi tiền lại được chồng thêm lên đến 30 triệu USD để chàng trai Brazil 28 tuổi bị kéo dạt về nước Ý, thay vì sang chơi bóng ở đảo quốc sương mù. Hợp đồng được ký tức thì ràng buộc số phận Ronaldinho với AC Milan cho đến tận cuối tháng 6-2011. Vậy là từ đây, đừng có mà nhắc đến chuyện đi hay ở của chàng trai này nữa nhé!

Món hàng nóng nhất đã được trao tay cho người mua, nhưng chợ cầu thủ thì nào đã yên ắng. Còn ê hề đó biết bao món hàng đang được nhìn ngắm, so đo, kỳ kèo, mặc cả, kèm theo chúng là thật nhiều số phận tài năng chưa biết mình trôi dạt về đâu. Tội nghiệp cho ngài S. Blatter lỡ buông lời bênh vực cầu thủ khi nhắc nhở các câu lạc bộ chớ hành xử với họ như những nô lệ thời đại qua chuyện bán mua, chuyển nhượng đã bị mắng xối xả. Ngẫm kỹ lại thấy người đứng đầu bóng đá thế giới có cái lý của mình khi thốt ra điều ấy.

Dù được đôn lên với những cái giá cao ngất ngưởng, dù được không ít khách hàng giành giật vì tài năng và sức đóng góp của mình, xét cho cùng, cầu thủ cũng chỉ là món hàng giữa chợ đời hỗn tạp đủ thứ tham vọng.
 
Khi chính bản thân các tài năng sân cỏ không tự mình định đoạt số phận, tương lai chơi bóng của chính mình, khi khát vọng cống hiến lắm lúc phải nhường chỗ cho những giá trị nằm ngoài sân bóng, làm sao có thể gọi họ là người tự do!  Và chuyện dài bán mua trong thị trường chuyển nhượng cầu thủ mùa này tiếp tục giằng co, tiếp tục rối rắm như tham vọng không hề yên ắng bên ngoài sân cỏ.     

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.