.

Mừng… vì không lên tuyển!

.

Sau khởi đầu loạng choạng và thường xuyên ở nhóm “nguy cơ cao”, gần đây Đà Nẵng đã có một chuỗi trận khá tưng bừng khi thắng 3 và hòa 1; trong đó có đến 3 trận sân khách, trước khi tiếp Thanh Hóa vào ngày 20-7 vừa qua. Dĩ nhiên, lãnh đạo và Ban huấn luyện mừng ra mặt.
 

Santos cảm thấy rất hạnh phúc khi được tập trung đội tuyển…


Nhưng vẫn không ít người hâm mộ không cảm thấy niềm vui được trọn vẹn khi qua các đợt tập trung đội tuyển quốc gia, chẳng có cầu thủ nào của Đà Nẵng được lên tuyển. Chả bù với trước khi Văn Hạnh, Hồng Minh, Hùng Dũng hay lứa trẻ như Đức Cường, Phước Vĩnh, Quốc Anh… thường xuyên là thành viên của các đội tuyển quốc gia lẫn U-23. Nhưng cho dù không nói ra, hẳn tất cả đều cảm thấy… may mắn khi không phải lên tuyển (!).

Một cựu tuyển thủ từng bộc bạch: “Được tập trung đội tuyển là một vinh dự rất lớn, nhưng ở đấy, lắm lúc có cảm giác ở trong không khí của trại lính”. Một HLV cựu trào của Đà Nẵng thừa nhận: “Nhiều lúc, cầu thủ lên tuyển khi trở về lại sa sút phong độ, không đáp ứng yêu cầu chuyên môn ở CLB. Chúng tôi không đánh giá giáo trình huấn luyện ở đội tuyển không tốt, nhưng rõ ràng, không hẳn phù hợp với phương pháp huấn luyện để đáp ứng yêu cầu thi đấu của CLB.

Chưa kể đến việc phát sinh tư tưởng ngôi sao, dẫn đến sự sa sút phong độ mà một số cầu thủ từng mắc phải…”. Một lý do khác khiến các cầu thủ ngại lên tuyển là sau những vụ án mua bán độ, nhiều cầu thủ thấy mất tự nhiên và khó đá, đặc biệt là những cầu thủ từng bị “phốt”. Một lãnh đạo CLB Đà Nẵng tâm sự: “Sau vụ tiêu cực tại SEA Games 23, chúng tôi rất tiếc cho các cầu thủ trẻ của Đà Nẵng. Tiếc rằng, môi trường đội tuyển không thực sự lành mạnh đã khiến các em vấp ngã”.

Chưa kể đến việc cầu thủ lên tuyển nhưng không được trọng dụng, lại đâm ra thối chí và mang cả tư tưởng ấy khi trở lại với CLB. Một số khác thì mơ ước giành Vàng, mãi mãi chỉ là ước mơ nên cũng không còn động lực để ao ước được góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia. Rồi những chấn thương của cầu thủ trong thời gian khoác áo đội tuyển mà chính CLB phải gánh chịu như Bình Dương từng bỏ ra cả chục nghìn USD để điều trị cho Hữu Thắng.

Với Phước Vĩnh (phải), hẳn không có sự thoải mái khi trở lại đội tuyển vào lúc này

Với Đà Nẵng, dù người hâm mộ có băn khoăn khi cầu thủ không được lên tuyển, hẳn lãnh đạo của CLB lại cảm thấy yên tâm hơn khi lực lượng được bảo toàn nguyên vẹn và kế hoạch huấn luyện sẽ không có những xáo trộn. Hơn thế nữa, trong bối cảnh “dầu sôi, lửa bỏng” như hiện nay, việc các cầu thủ được lên tuyển sẽ khiến không ít CLB lo sốt vó khi V-League 2008 đã đi vào giai đoạn cuối. Mà với hầu hết các CLB cũng như các cầu thủ, chính sự sống còn của CLB mới mang tính quyết định khi cuộc sống, công việc của họ gắn chặt với CLB hơn là với đội tuyển.

Cho nên, chẳng trách cả CLB lẫn cầu thủ đều cảm thấy không thoải mái khi phải làm nghĩa vụ quốc gia. Vì thế, rất cần thiết một sự nhìn nhận, đánh giá cụ thể của VFF với những CLB đóng góp tuyển thủ cho đội tuyển cũng như trách nhiệm của VFF khi tuyển thủ bị chấn thương trong quá trình làm nhiệm vụ. Và hơn nữa, như một tuyển thủ tâm sự: “Tôi ao ước mọi người cứ xem bóng đá như một trò chơi thực sự và hãy xem chúng tôi như những con người cần có sự riêng tư dù ở CLB hay ở đội tuyển”.          

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.