.

Nhạt phèo ngày trở lại

.

Sự nhạt nhẽo của V-League gần đây thì miễn bàn, nhưng sau Euro 2008, điều đó càng thấy rõ…Thoạt nhìn, các trận đấu đều có thắng, có thua với số lượng bàn thắng tăng vọt song nhìn từ cái bề nổi ấy, rất dễ bị đánh lừa. Dường như, quãng nghỉ giữa Euro lại giúp cho các đội dễ dàng tìm được lý do tưởng chừng rất chính đáng để biện giải về cái sự thất thường như mưa nắng của mình (!).

Cú “ngã ngựa” bất ngờ của Thể Công khi gặp Hà Nội ACB đang ngắc ngoải rồi cú “lội ngược dòng” của Thanh Hóa trước Bình Định ngay giữa “chảo lửa” Quy Nhơn hay “cái chết đã được báo trước” của Sông Lam Nghệ An trên sân Nam Định rồi thất bại của Bình Dương khi gặp chủ nhà Hải Phòng đang rộ lên trong dư luận về những động tác “cứu bồ” hay hiện tượng “tạo phản” của một số cầu thủ để truất phế những ông thầy.

Trở lại sau Euro, V-League vẫn chưa đủ sức kéo khán giả đến sân.

Thậm chí, còn có thông tin cầu thủ đội này, đội kia “nằm” để gỡ gạc sau hàng loạt vụ thua độ Euro! Có hay không những sự thật, chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Nhưng không ngẫu nhiên khi HLV Thể Công Galhidi khẳng định: “Chúng tôi đã thua trận đấu này từ vài ngày trước, khi tinh thần tập luyện của các cầu thủ Thể Công không nghiêm túc” và: “nhiều vị trí đã làm ngược lại với yêu cầu của tôi. Người có tốc độ thì không chịu chạy, người không có kỹ thuật thì lại ham phô diễn kỹ thuật cá nhân”.
 
Trước quá nhiều ý kiến nghi ngờ, Giám đốc Điều hành CLB Thể Công Hồ Trí Liêm đã lên tiếng: “Tôi khẳng định chắc chắn, không thể có chuyện cầu thủ Thể Công buông hay móc ngoặc để cho Hà Nội ACB thắng trận”. Song cho dù người của phía Thể Công có giải thích ra sao, xem ra dư luận và nhất là giới cổ động viên Thể Công cũng khó “thông”, qua “sự cố” Tuấn Tùng dùng tay chơi bóng khá lộ liễu, để nhận thẻ vàng thứ 2 chỉ trong vòng 14 phút và phải rời sân từ phút 30. Và có ngẫu nhiên chăng khi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ xác nhận, sẽ có công văn nhắc nhở 2 CLB này?

Trận đấu muộn trên sân Thiên Trường cũng không hẳn mang lại niềm vui trọn vẹn cho người hâm mộ bóng đá chân chính thành Nam. Sự hời hợt và những “lỗ thủng” trong cả lối chơi và đội hình của Sông Lam buộc người xem có quyền đặt ra những câu hỏi về thái độ và sự quyết tâm của các học trò ông Thịnh. Người bi quan cho rằng, ở lượt đi, các cầu thủ Nghệ An từng “vay” của Nam Định (thắng 3-0) thì việc phải “trả” ở lượt về (bằng thất bại 1-3) cũng là lẽ thường.

Người lạc quan lại nghĩ, ảnh hưởng từ vụ “treo sân” cho đến những khó khăn về tài chính để giữ chân hàng loạt trụ cột khi mùa giải 2008 kết thúc khiến các cầu thủ xứ Nghệ dễ dàng đánh mất bản sắc của mình. Hẳn, ai cũng chỉ mong sự thật là thế, vẫn hơn là những cuộc “vay - trả, trả - vay” từng làm vẩn đục sân cỏ Việt Nam hàng chục năm qua.

Trong lúc đó, cái thua của Bình Định lại bị nhìn bằng một ánh mắt khác. Râm ran chuyện cầu thủ “đánh lẻ” để “bù vào” khoản “lõm” sau Euro, chẳng biết thực hư ra sao. Nhưng người hâm mộ Quy Nhơn giận dữ là có thật. Sự nghi ngờ hẳn có lý do khi 2 bàn thua liên tiếp chỉ trong 2 phút cuối, hàng hậu vệ chủ nhà gần như chôn chân đứng nhìn đối phương ghi bàn.

Điều mà tất cả đều cảm nhận được còn ở chỗ, không ít trụ cột đang muốn “bẩy” HLV Nguyễn Ngọc Thiện khỏi vị trí “thuyền trưởng”. Cũng giống quá nhiều cầu thủ Bình Dương muốn ông Hải “bật” ngay sau khi V-League kết thúc. Mà chỉ cần những “tác động” ngoài chuyên môn như thế này, cũng lắm đội được “nhờ” và cũng không ít đội phải “khổ” bởi số phận của những anh “nhà nghèo” lệ thuộc vào “biểu đồ tình cảm” từ các đối tác (hay đối thủ) của mình trong giai đoạn quyết định.

Cho nên, chẳng trách người xem cứ thưa thớt dần dù không ít sân toang hoác cửa đón khách. Chất lượng Euro là thế mà còn bị chê ỏng chê eo, huống gì nhạt phèo như V-League thì người xem quay lưng lại chẳng còn là chuyện lạ!

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.