Lan truyền, gợi mở cảm hứng có lẽ là một trong những phẩm chất của thể thao nói chung, bóng đá nói riêng. Tôi nghĩ đến điều này khi chứng kiến cảnh nôn nao, sốt sắng trong những ngày qua của nhiều người trước chuyến ghé thăm Việt Nam vào cuối tháng 7 của đội Olympic Brazil.
Nhớ hồi sân Chi Lăng hãy còn hoang sơ lác đác vài dúm cỏ, khán đài phần lớn làm bằng ri sắt, những chuyến thăm của các danh thủ Sài Gòn, Hà Nội luôn gây rạo rực cho người hâm mộ đất Quảng.
Có lần đội tuyển thành phố Hồ Chí Minh ghé Đà Nẵng, các ngôi sao của họ đi đâu cũng thu hút người hiếu kỳ. Cửa khách sạn Thái Bình Dương ở ngã năm, nơi chân sút lừng danh Võ Thành Sơn trú lại, lúc nào cũng rộn rịp già trẻ gái trai. Người ta thích thú theo dõi từng động thái của cầu thủ này, từ cách ăn mặc lúc ra phố đến cả cách nhả khói thuốc của người được mệnh danh có cú ngã bàn đèn độc đáo nhất Việt Nam thời bấy giờ. Trước đó, nhiều thanh niên mê bóng đá ở Đà Nẵng cũng ngưỡng mộ phong cách điềm đạm nhưng tài hoa trên sân bóng lẫn ngoài đời của tiền đạo Tư Lê khi ông có dịp phô diễn tài nghệ trên sân Chi Lăng.
Sau năm 1975, những lần tranh tài của Thể Công, Đường sắt, Công an Hà Nội luôn khuấy động không khí bóng đá Đà Nẵng, thu hút người người rồng rắn xếp hàng cả hàng giờ để xem tận mắt cho được những Thế Anh, Cao Cường, Trọng Giáp, Hoàng Gia, Thụy Hải, Văn Nhã, Văn Đặng… Khi cánh cửa thể thao rộng mở, sân bóng trở nên khoáng đạt, sự giao lưu ngày càng đều đặn thì cảm hứng nghệ thuật, kỹ năng và tư duy chơi bóng cũng dần dà trưởng thành. Chẳng bao lâu sau ngày đổ bộ của danh thủ bóng đá hai miền, sân cỏ đất Quảng cũng vang vọng tên tuổi những Trần Vũ, Nho Đức, Trọng Quang, Thái Long, sau đó là thế hệ vàng của Phan Thanh Hùng, Lê Văn Sinh, Trương Văn Lợi, Phan Công Thìn…
Chờ đợi các đại biểu xuất chúng của nền bóng đá từng 5 lần lên ngôi quán quân thế giới, những ngày này, vẻ nôn nao, hào hứng hiện rõ trên từng khuôn mặt, kể cả thế hệ cầu thủ Việt Nam bây giờ. Nghe kể rằng không ít cầu thủ Việt Nam đang xăng xái tìm cho được tấm vé vào sân Mỹ Đình ngày 1-8 tới. Thậm chí nhiều người ao ước được giành lấy một kỷ vật nào đó từ chính tay những đồng nghiệp Brazil. Hiện tượng này không phải là sự hạ mình, sùng bái quá đáng mà có lẽ là một trong những cách tiếp cận các giá trị tinh thần giúp cầu thủ chơi bóng tốt thêm lên bằng người mà mình mến mộ, nể phục như một tấm gương nghề nghiệp.
Tuy vậy, tôi nghĩ nhiều hơn đến làn gió vô hình thôi thúc cảm hứng cùng giá trị tinh thần mà chuyến đi sắp tới của các tuyển thủ Brazil mang lại cho những mầm non bóng đá xứ sở mình - thế hệ cầu thủ tương lai hiện còn tiềm ẩn trong các sân chơi học đường hay các sân bóng hè phố mà hằng ngày ta vẫn gặp. Mang hình ảnh những Ronaldo, Ronaldinho từng chơi bóng và lớn lên từ những khu phố nghèo trên đất nước Brazil, những trẻ em Việt Nam chiều chiều quần thảo với quả bóng trên những vỉa hè lầm bụi, những bãi cát nắng cháy có thể tìm thấy từ con đường lập nghiệp của các thần tượng sân cỏ những bài học xúc động để nhen nhóm và thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng.
Cuộc phô diễn của các tuyển thủ Olympic Brazil trên thảm cỏ Mỹ Đình ngày 1-8 tới có thể sẽ thổi vào tâm hồn bao trẻ em Việt Nam ước mơ chơi bóng như các thần tượng, khao khát một ngày khoác áo tuyển thủ Việt Nam để đối đầu trực tiếp với đại biểu các nền bóng đá lớn trên một sân chơi chính quy chứ không đơn thuần ở một trận cầu hữu nghị.
Đó có lẽ cũng là điều cần được quan tâm trong suy nghĩ của các nhà điều hành, hoạch định kế sách phát triển bóng đá Việt Nam lúc này. Xét cho cùng, bày ra sân chơi mới có ích gì nếu bản thân sân chơi ấy không mang lại những thu hoạch tích cực nhằm gieo hy vọng.
NGUYỄN ĐÌNH XÊ
.
.
Thổi lên làn gió cảm hứng
Thứ Bảy, 26/07/2008, 09:59 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.