.

“Bóng bàn” V-League…

.

Một trọng tài cười khi được hỏi về công tác điều hành những trận đấu cuối mùa: “Nhẹ nhàng thôi khi mọi việc đều đã “đâu vào đấy”. Việc Thanh Hóa trụ hạng cũng đương nhiên khi trưởng đoàn mới của bóng đá Thanh Hóa “chơi được” nên họ được “cứu” là đương nhiên”. Chỉ một câu nói của một thành phần trong cuộc, đủ cho thấy, V-League vẫn đậm chất bóng bàn hơn là bóng đá.

Trước khi bước vào mỗi trận đấu, những cầu thủ nghĩ gì?

Thật ra, chuyện “bóng bàn” V-League chẳng có gì mới mẻ khi không ít lần, cả VFF lẫn Ban tổ chức đã nhờ cơ quan an ninh phối hợp để truy nguyên những trận đấu “bóng bàn” trước khi các đội “diễn” trên sân cỏ. Chẳng phải đã có thời, vụ án Sơn “cao” từng khiến dư luận xôn xao, dẫn đến không ít cầu thủ phải ra tòa nhận án. Để khi vụ án nổ ra, lắm người phải thất vọng lẫn mất niềm tin bởi họ từng đội nắng, đội mưa, hét hò khản cổ để ủng hộ đội bóng, ủng hộ cầu thủ, song đó lại là những trận đấu mà kết quả được mặc định ngay từ trên bàn. Rốt lại, chính 2 đội bóng là đạo diễn và khán giả chẳng khác gì con rối! Ở mùa giải này, vẫn chẳng có những chuyển động nào đáng kể.

Việc thủ môn Đức Hùng bị Khánh Hòa xử lý nội bộ hay bộ tứ Sông Lam Nghệ An bị “vạch mặt, chỉ tên” chưa đủ để khẳng định, đó là những “sai lầm cá nhân” như cách lý giải của những người có trách nhiệm ở hai đội bóng này. Rồi trước trận đấu trên sân Quy Nhơn, dù được cảnh báo nhưng cuối cùng, kịch bản cũng không khác những gì dư luận đã tiên đoán. Phải công nhận, Thép - Cảng đã “cao tay” hơn Ban tổ chức khi đã dám “cất” những thành viên có tầm ảnh hưởng nhất ở nhà để chấp nhận “gãy” đúng vào những phút cuối, đủ để giúp chủ nhà Bình Định thấy được “ánh sáng le lói cuối đường hầm”.
 
Trước đó, Thép - Cảng cũng đã tái hiện kịch bản “đi - về” với Nam Định. Chỉ năm ngoái thôi, trên sân Quân khu 7, Nam Định từng 2 lần dẫn trước song chùng lại đúng lúc để Thép - Cảng bắt kịp và vượt lên giành chiến thắng chung cuộc 3-2. Ông Hảo bị đồng sự phê phán dữ dội nhưng là người trong cuộc, chẳng ai mà không hiểu chuyện trả - vay khi Nam Định từng vượt qua Thép - Cảng đến 4-1 ở lượt đi. Năm nay, tỷ số lại là 2-0 và 0-2 cho mỗi bên. Rồi còn việc Thể Công “xụi” trước những “đồng hương” Hà Nội…

Hẳn ông Giám đốc Điều hành Hồ Văn Chiêm của Sông Lam cảm nhận rõ hơn ai hết nỗi khổ khó nói thành lời, dù ai cũng biết.

Từng được đánh giá cao nhưng tại các giải V-League gần đây, Thép-Cảng (áo trắng) đã chịu nhiều điều tiếng về các trận “bóng bàn”.

Sau thất bại muối mặt trước Hà Nội ACB, người hâm mộ xứ Nghệ hết sức bức xúc. Chẳng phải vì một thất bại mà ở đây, chính là thái độ của khá nhiều cầu thủ Sông Lam trong buổi chiều ấy. Lãnh đạo của Sông Lam cũng “đau đầu, nhức óc” vì dù biết tỏng nhưng nếu mạnh tay, nhỡ cầu thủ “làm reo” thì ảnh hưởng đến mối quan hệ cùng nhà tài trợ. Cho nên, dù muốn hay không, ông Chiêm cũng phải “tỏ thái độ” trước án phạt của VFF dành cho 4 cầu thủ của mình, trong đó, có một nhân vật được xem là “bất khả xâm phạm” trên đất Nghệ. Và dù không muốn ủng hộ sự sai trái, Sông Lam vẫn kháng án và gần như mặc nhiên chấp nhận cái tiêu cực đang tồn tại trong chính cơ thể của mình!

Quả là không dễ để chống tiêu cực khi lãnh đạo các đội bóng vẫn cứ mang nặng chủ nghĩa thành tích trong đầu. Và mọi thứ cứ được đùn đẩy cho VFF lẫn Ban tổ chức giải. Để rồi, với cách làm bóng đá như thế, V-League mãi mãi là một thứ “bóng bàn” không hơn không kém một khi chẳng ai dám xử đến nơi, đến chốn những cầu thủ tiêu cực. Thậm chí, vì thành tích, những khoản tiền lương, tiền thưởng đến hàng chục triệu đồng… được trao cho các cầu thủ, chẳng khác như món quà bánh để dỗ dành trẻ nhỏ của những ông bố, bà mẹ chỉ biết nuông chiều mà quên đi sự giáo huấn cần thiết của mình với con cái.
                                                  
BẢO AN

;
.
.
.
.
.