.

Cái nhìn tỉnh táo

Muốn trở thành cường quốc thể thao, Trung Quốc còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, còn phải cải thiện nhiều mặt về đầu tư cơ sở vật chất, chiến lược phát triển, chăm lo nguồn lực sao cho đúng hướng.

Khi dư âm về một thế vận hội hoành tráng hãy còn vang vọng ghi đậm dấu ấn năng lực tổ chức của đất nước đông dân nhất hành tinh, khi bảng vàng thành tích của đoàn vận động viên chủ nhà hãy còn cao ngất ngưỡng trong vị trí dẫn đầu, thật ngạc nhiên trước lời nhận xét có vẻ... chối tai này. Càng bất ngờ hơn khi những lời ngay thật ấy lại xuất phát từ dư luận xã hội, báo chí và các chuyên gia thể thao của chính Trung Quốc.

Hãy xem các chuyên gia này phân tích: Dù dẫn đầu về số lượng huy chương vàng (51 chiếc) nhưng phần lớn thành tích dẫn đầu của Trung Quốc chỉ diễn ra ở các môn không phải truyền thống, các môn được xem là cơ bản của thể thao Olympic (điền kinh, bơi lội). Chỉ một huy chương vàng giành được ở hai môn điền kinh và bơi lội (nữ vận động viên Liu Zige, cự ly bơi bướm), đây có thể là một thất bại lớn nhất của nền thể thao nước chủ nhà.

Nó cho thấy dù được đầu tư khá kỹ nhưng trên sân chơi chính thống của Olympic, Trung Quốc còn bị nhiều nước khác bỏ lại đàng sau. Đó là chưa kể sự thua sút của vận động viên Trung Quốc trong các cuộc tranh tài ở bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ - các môn thi đấu tập thể mà thành tích của nó thường phản ánh cô đọng trình độ, năng lực đầu tư, đẳng cấp huấn luyện, kỹ năng tổ chức của một nền thể thao. Và chừng nào còn về chậm ở các môn này, người Trung Quốc hãy còn chưa thể ghi tên mình vào nhóm các cường quốc thể thao.

Một đúc kết khác rất đáng ghi nhận, thể hiện sự tỉnh táo, biện chứng, không hùa theo vẻ phù phiếm của các tấm huy chương vốn dễ bắt gặp đó đây trong những nền thể thao sính chạy theo sự hào nhoáng, ầm ĩ bên ngoài: Có sự khác biệt về bản chất giữa một nền thể thao hướng đến việc giành thật nhiều huy chương và một cường quốc thể thao.

Theo các chuyên gia, sự khác biệt diễn ra giữa một bên gắng sức đầu tư tập trung vào thể thao thành tích cao với một bên chú trọng khai thác sự hợp sức giữa Nhà nước và công chúng nhằm phát triển đồng bộ, có chiều sâu hướng đến mục tiêu cụ thể là nâng cao sức khỏe, thể lực của toàn dân nhờ vào việc luyện tập thể thao. Có thể nhận ra sự khác biệt này khi nhìn vào khoảng cách chênh lệch trong tỷ lệ sử dụng các thiết chế thể thao, các công trình phục vụ việc rèn luyện thân thể mà người dân trực tiếp thụ hưởng.

Trình độ tổ chức, dấu ấn trí tuệ của nước chủ nhà Olympic Bắc Kinh đã làm ngây ngất hàng tỷ người qua lễ khai mạc, lễ bế mạc độc đáo, sáng tạo. Giờ đây, sự tỉnh táo, thẳng thắn của các chuyên gia Trung Quốc khi nhìn vào kết quả đạt được từ các cuộc tranh tài khiến chúng ta càng thấy rõ sức mạnh của một nền thể thao hướng về phía trước.

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.