.

Không sẵn sàng

.

Tâm lý không vững, dễ choáng ngợp trước sự cổ vũ của khán giả, nhất là khi đối thủ vào trận bằng lối đánh phủ đầu khó chịu là những nguyên nhân được các nhà chuyên môn đưa ra khi phân tích thất bại ngỡ ngàng của tay vợt Nguyễn Tiến Minh, niềm hy vọng lớn của bộ môn cầu lông Việt Nam tại đấu trường Olympic Bắc Kinh.
 

Danh thủ cầu lông Nguyễn Tấn Minh. (Ảnh tư liệu)

Chính Tiến Minh cũng thừa nhận điều này và thêm rằng nếu được làm lại từ đầu sau thất bại, anh sẽ xin thi đấu ngay từ vòng một chứ không cần hưởng ưu tiên miễn đấu vòng đầu. Theo anh, chính ưu đãi này đã tạo sức ép lên bản thân mình so với đối thủ Hsieh Yu Hsing xếp kém mình những 21 bậc. Và rồi, khi vào trận, chính mục tiêu phải thắng cho được đối thủ trên sân chơi bao la như thế vận hội đã dồn lên người Minh sức ép ngàn cân, dẫn đến các tình huống bối rối mà thường ngày, ở các giải đấu khác trước đây, anh ít khi gặp phải.

 Sự thành thật của người chiến bại đáng được cảm thông, chia sẻ nhưng quả là  đáng tiếc biết bao khi vào lúc này, công chúng hâm mộ thể thao Việt Nam lại còn nghe những lời trần tình như vậy. Đâu phải lần đầu thể thao Việt Nam bước vào sân chơi đỉnh cao của thế vận hội! Cũng không hề sơ sài công cuộc chuẩn bị của đoàn Việt Nam cho Olympic lần này, đặc biệt với những niềm hy vọng lớn giành được huy chương như vận động viên cầu lông số một Việt Nam.
 
Nên nhớ rằng trước lúc Tiến Minh xung trận, đoàn thể thao Việt Nam đã có lực sĩ Hoàng Anh Tuấn lĩnh ấn tiên phong bằng chiếc huy chương bạc giàu tinh thần cổ vũ. Con đường chông gai mà Tuấn đã trải qua trong luyện tập, trên sàn đấu - đặc biệt là quá trình rút tỉa kinh nghiệm máu xương sau thất bại cay đắng trên đấu trường SEA Games vừa rồi- chẳng lẽ không truyền được cảm hứng cho Minh?

Nhưng trách Tiến Minh một thì công chúng cũng phiền lòng với năng lực cầm quân của các nhà quản lý, điều hành mười. Ai chịu trách nhiệm lớn nhất về sự bạc nhược trong thi đấu của Minh nếu không phải là những người trực tiếp huấn luyện, dẫn dắt anh? Nên nhớ rằng bên cạnh Minh trên đấu trường thế vận hội lần này, ngoài chuyên gia người Trung Quốc Yan Shi Qiang còn có HLV trưởng người Việt Nam và hai lãnh đạo liên đoàn cầu lông. Một lực lượng hùng hậu như thế vẫn không đủ sức làm chỗ dựa tinh thần cần thiết cho vận động viên vào lúc xung trận mất còn thì quả là đáng trách.

 Dù có thể đã có nhiều nỗ lực động viên, khích lệ vận đông viên song dường như người ta vẫn chưa chuẩn bị đúng mực về nhiều mặt, chưa sẵn sàng cho cuộc chiến đỉnh cao của học trò mình một cách khoa học, bài bản. Cũng không loại trừ nguy cơ sự tự ti, mặc cảm hiện diện ngay chính trong người thầy, tâm lý không ổn định xuất phát từ chính bộ não chỉ đạo. Mong sao đây chỉ là giả thiết để công chúng thể thao nước nhà không phải bận tâm.

Nhiều bài học chắc chắn sẽ được đúc kết từ sân chơi thế vận bao la hoành tráng, nhưng đã đến lúc công chúng không muốn nghe nhắc lại từ miệng các nhà hoạch định chiến lược phát triển thể thao những từ đại loại “học tập, hội nhập, đo lường sức mình trên một sân chơi quá cỡ…”. Thất bại của Tiến Minh ở môn cầu lông, Nguyễn Mạnh Tường ở môn bắn súng, vì thế, không thể xem nhẹ như là chiến bại của những cá nhân vận động viên riêng lẻ. Đó chính là sự thua sút của một nền thể thao chưa tạo được cho mình các yếu tố cần thiết để hội nhập, chưa sẵn sàng cho những trận đánh lớn ở sân chơi đỉnh cao.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.