Tháng 7-2008, đôi tình nhân Stephanie Rice và Eamon Sullivan đã khiến cả đất nước Australia rúng động khi họ quyết định chia tay nhau. Tất cả với họ là những thành tích tại Bắc Kinh 2008 cho xứ sở của những chú Kanguroo. “Chúng tôi chỉ muốn thể hiện hết khả năng của mình, vì thế, cả hai nghĩ rằng ở bên nhau lúc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến thành tích thi đấu”, hai “kình ngư” đã chia sẻ như thế trước thềm Olympic.
Sự thiệt thòi của S.Rice cũng được đền đáp bằng tấm HCV Olympic. |
Một hạnh phúc khác lại đến với nữ xạ thủ Guo Wenjung sau khi cô giành được ngôi vô địch nội dung súng ngắn hơi 10 mét nữ. Sau khi bố mẹ ly hôn, Guo sống với bố tại thành phố quê hương Tây An (tỉnh Thiểm Tây) và năm 14 tuổi, cô đã được bố đưa đến với môn bắn súng. Một đêm tháng 4-1999, khi cô đang thi đấu xa Thiểm Tây, bố của Guo đã nhắn lại cùng HLV Huang Yanhua là: “Tôi sắp đi xa. Mong ông hãy đối xử với Wenjung như là con gái ông và giúp cháu tập luyện ở mức tốt nhất”.
Hụt hẫng với cảm giác bị bỏ rơi, Guo gần như từ bỏ sự nghiệp thể thao cho đến năm 2005, cô không thể tìm thấy niềm vui khi xa cuộc đời VĐV nên đã quay lại Trường Thể thao Tây An. Chỉ 2 tháng sau khi quay trở lại tập luyện cùng đội tuyển quốc gia, Guo đã giành một HCV và một HCB tại ASIAD Doha 2006. Một năm trước đây, Guo rất chán nản, muốn bỏ sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp một lần nữa.
Và HLV Huang Yanhua đã liên tục thuyết phục cô tiếp tục tập luyện thật tốt để chuẩn bị cho Olympic bằng lời nhắc nhở: “Bố cháu sẽ thất vọng nếu cháu từ bỏ và việc cháu giành được HCV sẽ là cách hiệu quả nhất so với mọi thông báo tìm người thân nào khác”. Dự báo của HLV Huang Yanhua đã thành sự thật khi sau tấm HCV giành được vào ngày 10-8, Guo đã gặp lại được người cha sau gần 10 năm chia cách.
Nỗ lực của Natalie du Toit đã nhận được sự ghi nhận từ IOC. |
Với Natalie du Toit (Nam Phi), riêng việc được thi đấu tại Bắc Kinh 2008 đã là một hạnh phúc quá lớn đối với cô gái 24 tuổi phải thi đấu chỉ với một chân! Trong lúc tương lai mở rộng trước mắt thì một tai nạn vào năm 2001 đã cướp đi của Natalie một chân. Vượt qua đau đớn, Natalie vẫn kiên trì bơi bằng đôi tay và cái chân còn lại của mình.
Athens 2004 Natalie đã giành đựơc 5 HCV bơi lội tại Paralympic. Ấn tượng mà Natalie tạo được khiến IOC thán phục là trong cuộc thi bơi 10.000m diễn ra hồi tháng 5-2008, cô đã thi đấu cùng những VĐV bình thường và đã về thứ 4 với thành tích 2 giờ 2 phút 7 giây 08, chỉ kém người về nhất 5,1 giây mà thôi. Nhờ đó, Natalie được IOC đặc cách cho thi đấu tại các môn bơi cùng với người bình thường tại Bắc Kinh 2008. Với Natalie, VĐV người Mỹ George Eyser luôn là thần tượng khi tại Olympic 1904, George Eyser đã giành được tới 6 huy chương, trong đó có 3 HCV, cũng bằng sức mạnh của một chiếc chân gỗ như cô.
NGUYÊN AN (Theo Beijing 2008, Reuter)