Tối nay, 8-8, Thế vận hội mùa hè năm 2008 sẽ chính thức được khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông Liu Qi, Trưởng ban Tổ chức Thế vận hội của Trung Quốc cho biết, tổng cộng 104 lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới dự kiến sẽ tới dự Olympic Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, ông Liu không nói rõ liệu tất cả các nguyên thủ có hiện diện tại lễ khai mạc của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này hay không.
Quang cảnh của một buổi lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh tại Vạn lý trường thành. |
Các nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh tin rằng, hơn 100 lãnh đạo thế giới đã nhận được lời mời và khoảng 80 người trong số họ chắc chắn sẽ tham dự Thế vận hội. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Jianchao, chính ủy ban Olympic của mỗi nước trực tiếp gửi lời mời tới nguyên thủ của họ chứ không phải nước chủ nhà Thế vận hội. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng sẽ tới dự buổi lễ này sau khi rút lại tuyên bố tẩy chay Thế vận hội tại Trung Quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết ông sẽ chỉ dự lễ bế mạc Olympic. Thủ tướng Đức Angela Merkel tái khẳng định việc sẽ vắng mặt tại lễ khai mạc Thế vận hội ở Bắc Kinh vì nó trùng vào thời gian diễn ra kỳ nghỉ của bà. Nhiều hãng thông tấn trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định, Tổng thống Pervez Musharraf vẫn sẽ lên đường tới dự lễ khai mạc Olympic như kế hoạch, bất chấp việc những người chống đối trong Chính phủ liên minh đang tổ chức thảo luận ở Islamabad về khả năng luận tội ông. Giới phân tích nhận định, đối với Trung Quốc, sự hiện diện của đông đảo nguyên thủ các nước tại lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh là một chiến thắng và điều này chứng tỏ Bắc Kinh đã nhận được sự ủng hộ to lớn của cộng đồng quốc tế.
Để chứng tỏ với thế giới sức mạnh “vượt tầm” của Trung Quốc trong Olympic mùa hè năm nay, khoảng 300.000 hệ thống giám sát đã được lắp đặt ở khắp thủ đô Bắc Kinh. Tại khu vực trung tâm, cứ 20 mét lại có một camera an ninh. “Hệ thống giám sát mà Trung Quốc triển khai cho Olympic bao gồm việc sử dụng công nghệ tối tân phương Tây là hệ thống tinh vi và đắt giá nhất từ trước tới nay”, James C. Mulvenon thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích tình báo tại Washington cho biết.
Theo tờ Time, Hiệp hội Công nghiệp An ninh (SIA), việc Trung Quốc đầu tư cho hệ thống camera giám sát và những biện pháp khác - 300 triệu USD tại các địa điểm Olympic và 6,5 tỷ USD cho Bắc Kinh - sẽ khiến cho Bắc Kinh trở thành một thành phố được bảo vệ lớn nhất trong lịch sử Thế vận hội. Phó Chủ tịch nước CHDN Trung Hoa Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Một Olympic an toàn là tiền đề cho một thế vận hội đầu tiên mang màu sắc Trung Quốc”.
Ngoài ra, hơn 100.000 nhân viên an ninh được điều động tại Bắc Kinh. Khu vực quanh làng Olympic được bảo vệ bởi mạng lưới tên lửa đất đối không dày đặc, máy bay không người lái được huy động để tuần tra bầu trời. Sân bay mới nâng cấp của Bắc Kinh đã thiết lập các điểm kiểm tra an ninh ở mọi lối vào nhà đón khách. Thậm chí chính quyền thành phố đã thông báo dừng mọi chuyến bay trong suốt thời gian diễn ra lễ khai mạc Olympic tối 8-8.
Tại Olympic Athens 4 năm trước, Trung Quốc chỉ xếp sau Mỹ (102 huy chương) và Nga (92 huy chương), với tổng cộng 63 huy chương gồm 32 vàng, 17 bạc, và 14 đồng nhưng đã gây được ấn tượng mạnh đối với thế giới vì nước này chỉ mới tham dự Olympic trong vòng 20 năm trước tại Los Angeles. Trưởng ban thành tích thể thao thuộc Ủy ban Olympic Mỹ Steve Roush nhận định: “Chúng tôi thực sự coi đây là cuộc chạy đua giữa ba nước Nga, Mỹ và Trung Quốc, nhưng Trung Quốc sẽ là nước dẫn đầu”.
ĐOÀN LƯƠNG