.

Phía sau vinh quang

.

Phía sau vinh quang của người lực sĩ Thế vận hội có bóng dáng các nhà tài trợ, các công ty quảng cáo.

May mắn của Michael Phelps

Lúc “dị nhân” Michael Phelps sải những động tác cuối cùng để giành chiếc huy chương vàng thứ tám của Thế vận hội Bắc Kinh thì tại Mỹ, tập đoàn thẻ tín dụng quốc tế VISA Inc. cũng bắt đầu tung ra chương trình quảng cáo “Go World” mà hình tượng trung tâm chính là Michael Phelps. Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Pizza Hut công bố cung cấp miễn phí cho Phelps và toàn đội bơi Mỹ bánh pizza và bánh pasta trong một năm.

Bên cạnh đó, hàng loạt công ty lớn khác tranh nhau gắn hình ảnh của dị nhân M. Phelps vào thương hiệu của mình, hy vọng thu hút được sự quan tâm của giới tiêu dùng Mỹ; ngoài VISA và Pizza Hut có thể kể tới đồng hồ Omega, áo bơi Speedo, nước uống tăng lực PureSport, khách sạn Hilton và điện thoại di động AT&T. Ngay trong ngày đầu tuần này - ngày M. Phelps đạt huy chương vàng thứ 8, đã có thêm 120.000 người đăng ký làm người hâm mộ (fan) anh trên mạng Facebook, đưa số fan của M. Phelps lên 795 ngàn người. Tổng thống Mỹ George Bush gọi điện chúc mừng anh và anh cũng đã nhận hơn 4.000 tin nhắn ca ngợi từ bạn bè ngay trong ngày đầu tuần. Nhiều fan - có nghĩa là sức mua cũng tăng theo.

Rõ ràng, tay bơi người Mỹ 23 tuổi Michael Phelps đã trở thành lực sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại khi anh vượt qua kỷ lục 7 huy chương Thế vận hội của Mark Spitz. Vấn đề còn lại là làm sao biến niềm vinh quang ấy thành tiền, càng nhiều tiền càng tốt. Peter Carlisle, đại diện quảng cáo của Phelps, cho rằng, mức thu nhập hiện thời 5 triệu đô la/năm của Phelps sẽ tăng gấp ba, thậm chí nhiều hơn, sau những kỳ tích mà anh lập được ở Bắc Kinh. “Tám huy chương vàng Thế vận hội được chiếu trên truyền hình khắp nước Mỹ trong giờ vàng có giá bao nhiêu? Tôi nghĩ rằng, Phelps sẽ kiếm được không dưới 100 triệu đô la trong sự nghiệp bơi lội của mình”, Carlisle nói.

Nhưng có một điều khiến các nhà quảng cáo băn khoăn: Hình ảnh của Phelps vẫn chưa quen thuộc với người tiêu dùng, anh chỉ xuất hiện trên truyền hình trong các giải bơi mà chưa bao giờ thực hiện giao lưu với khán giả, làm người dẫn chương trình hoặc bình luận thể thao - những hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh và tính cách của chính mình.
 
Để nâng cao giá trị các hợp đồng quảng cáo, nghĩa là kiếm được nhiều tiền hơn, trong một vài năm tới, M. Phelps phải dành nhiều thời gian cho công chúng hơn là cho đường đua xanh. Cho đến bây giờ Michael Phelps vẫn còn là một gương mặt khá bí ẩn với công chúng Mỹ. Riêng anh, tại cuộc họp báo ngay sau khi cuộc đua kết thúc, Phelps chỉ nói đơn giản là giờ đây anh muốn làm một người bình thường, được ăn những món ưa thích và ngủ thoải mái vì không còn phải lo lắng nữa.

Rủi ro của Lưu Tường

 “Lưu Tường là hình ảnh của một anh hùng, hy sinh cho màu cờ sắc áo của đất nước”.

Không may mắn như Phelps, lực sĩ 110 mét vượt rào Lưu Tường (Liu Xiang) của Trung Quốc phải bỏ cuộc ngay vòng loại vì chấn thương ở gót bàn chân phải. Thất bại của Lưu Tường không chỉ gây ra nỗi thất vọng cho cả nước Trung Hoa mà còn là gáo nước lạnh giội vào kỳ vọng của các nhà tài trợ như tập đoàn trang phục thể thao Nike, nước ngọt Coca-Cola, máy tính Lenovo và điện thoại di động ChinaMobile.
 
Lực sĩ 25 tuổi này từng giành huy chương vàng tại Thế vận hội Athens năm 2004; từ đó Lưu Tường trở thành một “anh hùng” ở Trung Quốc, hình ảnh của anh xuất hiện thường xuyên trong các chương trình truyền hình, trên thùng xe buýt, xe điện, trên các bảng quảng cáo khổng lồ ở khắp các thành phố Trung Quốc. Các nhà tài trợ đều mong muốn biến sự hâm mộ mà thanh niên Trung Quốc dành cho Lưu Tường thành sự tăng trưởng doanh số và lợi nhuận của họ.

Theo tạp chí Forbes, năm ngoái Lưu Tường kiếm được 163 triệu nhân dân tệ (23,8 triệu đô la Mỹ) từ các hợp đồng quảng cáo, và anh trở thành lực sĩ kiếm được nhiều tiền thứ hai ở Trung Quốc, chỉ sau ngôi sao bóng rổ Diêu Minh (Yao Ming). Derek Kent, phát ngôn viên của tập đoàn Nike, nhận xét: “Lưu Tường là biểu tượng của thanh niên Trung Quốc, anh có tương lai sáng lạn”.

Nhưng từ thất bại không ai mong muốn của anh hôm thứ hai vừa qua, nhiều câu hỏi đặt ra trong giới kinh doanh: Giờ đây khi Lưu không còn chạy được thì các nhà tài trợ sẽ làm gì? Những đoạn phim quảng cáo chuẩn bị trước cho phút đăng quang của Lưu tại sân vận động Tổ Chim sẽ ra sao? Terry Rhoads, giám đốc điều hành Công ty quảng cáo Zhou Marketing tại Bắc Kinh chua chát nói: “Nhiều mẩu quảng cáo chào mừng chắc phải bị ném vào thùng rác”.

Nhưng trong những phút đầu tiên đối diện với tai họa, nhiều nhà tài trợ chưa muốn đưa ra những phản ứng bi quan. Derek Kent của Nike nói: “Việc quảng cáo của chúng tôi vẫn diễn ra theo kế hoạch”. “Chúng tôi hợp tác với anh Lưu từ năm 2003 và sẽ tiếp tục hỗ trợ anh ấy”, Kenth Kaerhoeg, phát ngôn viên của Coca-Cola, nói.

Tại Thế vận hội Bắc Kinh, Trung Quốc có thêm nhiều gương mặt sáng giá khi giành tới 43 huy chương vàng (tính đến tối thứ ba 19-8), song giới phân tích cho rằng không ai gây được ấn tượng mạnh như khi Lưu Tường bước lên bục huy chương Athens năm 2004, hai tay giang lá quốc kỳ. Chính vì thế, mặc dù đã đầu tư vào hàng tá lực sĩ đẳng cấp quốc tế khác để phòng rủi ro, các nhà quảng cáo cũng không thể nào thay thế hình ảnh của Lưu Tường bằng một nhân vật khác.

Vả lại, cảnh Lưu Tường ngã gục trên đường đua, sau đó tập tễnh rời khỏi sân với cái chân đau đã gây xúc động mạnh cho khán giả tại sân Tổ Chim cũng như qua màn ảnh truyền hình. “Trong bối cảnh ấy, các nhà quảng cáo thông minh sẽ tiếp tục gắn bó với Lưu Tường ít nhất là vài tháng nữa vì giá trị thương mại của anh ấy vẫn còn đó. Lưu Tường là hình ảnh của một anh hùng, hy sinh cho màu cờ sắc áo của đất nước”, giáo sư Zheng Suhui trường Đại học Truyền thông Trung Quốc tại Bắc Kinh, nhận xét. Và có lẽ đó cũng là tính toán của các nhà tài trợ hàng đầu cho Lưu Tường hiện nay.
                             
Thái Bình

;
.
.
.
.
.