.

Chuyên nghiệp

.

Chuyên nghiệp là chuyện thời sự bóng đá nổi lên trong những ngày gần đây, sau lễ tổng kết mùa bóng 2008. Các khuyến cáo của Liên đoàn bóng đá châu lục và khu vực có vẻ đang khuấy động một đề tài vốn không xa lạ nhưng dường như từ lâu bị bao thứ rối rắm nhọc nhằn của một nền bóng đá “xác chuyên nghiệp, hồn nghiệp dư” vùi sâu trong lớp bụi trần ai.
 

Danh thủ bóng đá Đặng Phương Nam (mang áo số 10): Tiến trình chuyên nghiệp hóa muốn thành công thì trước hết phải bắt đầu từ chính cơ quan đầu não lãnh đạo nền bóng đá .

Đừng quên rằng bóng đá Việt Nam vừa kết thúc mùa giải chuyên nghiệp thứ tám trên danh nghĩa, ký ức về những ngày đầu hồ hởi chuẩn bị cho V-League từ phía cơ quan đầu não của bóng đá xứ sở hẳn còn lâu mới phai mờ trong tâm trí nhiều người. Cũng chưa ai quên được người ta đã phác họa và kỳ vọng rất nhiều về những thu hoạch mà bóng đá nước nhà sẽ đạt được về chất lượng và tính chuyên nghiệp cách đây gần một thập kỷ.

Thật không vui khi câu chuyện chuyên nghiệp bóng đá trở thành đề tài thời sự chỉ vì tính... không chuyên nghiệp của bóng đá. Cảnh báo và khuyến cáo của các liên đoàn bóng đá cấp trên vô hình trung khơi gợi cơ man bất cập mà bóng đá Việt Nam gặp phải trên hành trình chuyên nghiệp hóa.

Điểm lại những khía cạnh mà các khuyến cáo đề cập, từ việc hình thành ban tổ chức giải, cách quản lý, điều hành câu lạc bộ đến công tác trọng tài, phương thức hoạt động của các câu lạc bộ cổ động viên, chỗ nào cũng thấy bước chân khập khiễng của bóng đá Việt Nam trên dặm trường chuyên nghiệp hóa. Môi trường, điều kiện và con người của một nền bóng đá từ lâu quen sống bằng bầu sữa bao cấp là một cản ngại đã đành. Điều đáng buồn là dường như những cơ quan có trách nhiệm với tiến trình chuyên nghiệp hóa, những kiến trúc sư của nền bóng đá chuyên nghiệp chưa chuẩn bị đúng mức, chưa lượng định được những gian nan, gập ghềnh trong hành trình phát triển bóng đá nước nhà.

Danh thủ bóng đá Đặng Phương Nam, trong một chương trình truyền hình trực tiếp của VTC tối 23-9-2008 nói rằng, tiến trình chuyên nghiệp hóa muốn thành công thì trước hết phải bắt đầu từ chính cơ quan đầu não lãnh đạo nền bóng đá. Theo anh, sở dĩ các cầu thủ, đội bóng và nhiều thành viên khác chưa mặn mà với con đường chuyên nghiệp hóa, đó đây còn xảy ra những hành xử nghiệp dư, xa lạ với các tiêu chí chuyên nghiệp là vì bản thân họ không tìm thấy một hình mẫu để noi theo, chung quanh họ thiếu vắng những tấm gương chuyên nghiệp đầu tàu.
 

Với những “liều thuốc” chưa đủ độ “đắng” của BTC giải, sân co Việt Nam bị nhuốm bẩn bởi tình trạng bạo lực.
Khi chất nghiệp dư xuất hiện - mà là xuất hiện thường xuyên - ở ngay chính cơ quan đầu não là VFF trong cách điều hành, ứng xử thì đòi hỏi mức độ chuyên nghiệp thích hợp ở cấp cơ sở là chuyện xa vời. Và một nền bóng đá chỉ có thể thu hoạch kết quả từ con đường chuyên nghiệp hóa khi tạo dựng được niềm tin trong các thành viên của mình qua những việc làm cụ thể, thiết thực chứ không phải qua những hô hào suông theo kiểu khua chiêng đánh trống ầm ĩ.

Một trong những phẩm chất của tính chuyên nghiệp là sự tự giác, sáng tạo và chủ động tìm hướng đi thích hợp với môi trường, điều kiện, bối cảnh của riêng mình hướng đến lợi ích chung của cả nền bóng đá. Những biểu hiện đối phó vì thúc ép của công chúng hoặc theo cảnh báo, ràng buộc của liên đoàn cấp trên, vì thế, trở nên xa lạ với một nền bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa. VFF liệu có đủ sức vượt qua điểm yếu cố hữu này để trước hết minh chứng tính chuyên nghiệp của một đầu tàu?

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.