.

Khi đồng tiền nhảy múa!

.

Ngay sau khi V-League 2008 vừa kết thúc, thị trường chuyển nhượng cầu thủ đã sôi động hẳn lên với những thương vụ bạc tỷ, mà trong đó, không ít trường hợp tự “làm giá” hoặc không ít “trọc phú” chơi ngông để phá vỡ cả quy chuẩn đạo đức xã hội.

Giá trị thật của Công Vinh là bao nhiêu khi thị trường chuyển nhượng đang có chiều hướng “lạm phát”?

Cái gốc của bóng đá Việt Nam vẫn chưa vững khi những tài năng của bóng đá Việt Nam - đặc biệt là tài năng trẻ - quá khan hiếm đến độ, những cầu thủ vốn “chưa sạch vết chàm” như Quốc Vượng vẫn được mời chào, tranh chấp đến ồn ào. Huống gì những Công Vinh, Minh Đức, Thanh Bình, Đức Hùng, Trọng Bình, Tấn Điền, Hữu Chương hay Thành Lương…
 
Được biết, số tiền mà Ninh Bình trả cho 4 cầu thủ như sau: 1,2 tỷ đồng cho Trọng Bình với hợp đồng 3 năm; Tấn Điền, Hữu Chương cùng 800 triệu trong 2 năm và Đức Hùng chỉ 550 triệu/2 năm. Trong lúc đó, không ít người từng đặt dấu hỏi về giá trị thực của Công Vinh khi có những thông tin định giá cầu thủ này 5 tỷ rồi 7 tỷ đồng. Thậm chí, có thông tin còn cho rằng, Thể Công chấp nhận lót tay cầu thủ này đến 8 tỷ đồng với dự kiến hợp đồng kéo dài 4 năm cùng mức lương không ít hơn 30 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng liệu rằng, tiền đạo này có tương xứng với giá trị của mức chuyển nhượng đến thế hay không?

Nếu xét đến số bàn thắng của một tiền đạo để định giá, hẳn Công Vinh không thể so đọ với Ngọc Thanh khi cầu thủ này đã 11 lần lập công cho Xi-măng Hải Phòng tại V-League 2008. Nói gì đến việc Công Vinh đủ sức trở thành một “thủ lĩnh” cỡ Tài Em, Minh Phương - chứ chưa nói đến Kiatisak - để trở thành một “thương hiệu” cho bất kỳ một doanh nghiệp nào.

Một thời, Lê Huỳnh Đức khoác áo Lifan với hy vọng sẽ giúp Lifan đánh bóng được hình ảnh của mình. Thế nhưng, hiệu ứng dư luận lẫn hiệu quả kinh tế không như tập đoàn này mong muốn. So sánh gần hơn với bản hợp đồng kỷ lục của Như Thành với Bình Dương có giá trị 12 tỷ đồng nhưng kéo dài 10 năm, cũng có thể thấy, việc định giá Công Vinh vừa qua là quá cao.

Khi những cuộc chuyển nhượng với quá nhiều giá trị ảo được tung ra hiện nay, càng thấy sự chi phối của đồng tiền đang ngự trị trong phần lớn giới cầu thủ. Không phủ nhận một thực tế là đời cầu thủ quá ngắn ngủi và có nhiều rủi ro, nhưng không vì thế mà có một bộ phận cầu thủ phải kiếm thật nhiều tiền bằng mọi giá với những biện minh không đủ che lấp sự thờ ơ, bàng quan trước tương lai của nơi đã từng nuôi dưỡng, đào tạo để họ thành danh.
 
Và “căn bệnh” này đang lây lan đến các cầu thủ ngoại. Dù nhờ Xi-măng Hải Phòng mà họ khẳng định được mình nhưng cả Leandro (với mức lương 7.000 USD/tháng) cùng Elenildo (lương tháng 5.000 USD) - chắc chắn được tăng lương trong mùa tới - vẫn biết “làm giá” khi ý thức được tầm quan trọng của mình ở đội bóng này.

Có ai đó cho rằng, hiện nay có những bức xúc khi bóng đá Việt Nam đang bị “lạm phát” bởi những khoản lương, thưởng, tiền lót tay lên đến từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng. Nhưng việc làm này đã không giúp cho chất lượng bóng đá Việt Nam nói chung ­­­­­và chất lượng cầu thủ nói riêng ngày mỗi tốt hơn.

Khi đồng tiền nhảy múa, mọi giá trị thực đã bị đảo lộn. Nếu không có một sự điều chỉnh đúng đắn, kịp thời từ những người có trách nhiệm, sân cỏ Việt Nam sẽ tiếp tục bị đồng tiền chi phối và chắc chắn, đạo đức sân cỏ cũng chỉ là một thứ xa xỉ.

NGUYÊN AN

 

;
.
.
.
.
.