Ngay sau khi Hoàng Anh Tuấn giành tấm HCB cử tạ hạng cân 56 kg, ông Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang vẫn khăng khăng: “Nếu Tuấn không hấp tấp, chúng ta hoàn toàn có khả năng giành HCV”.
Thể thao Việt Nam cần được nhìn nhận nghiêm túc nếu muốn có những thành tích như Hoàng Anh Tuấn đã giành được. |
Ngay tại Bắc Kinh 2008, Việt Nam chỉ xếp hạng 3 trong khu vực ASEAN sau Thái Lan (2 HCV, 2 HCB), Indonesia (1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ) và chỉ ngang Singapore và Malaysia khi cùng giành 1 HCB. Những khoảng cách khi chúng ta bước ra khỏi “ao làng” là hẳn nhiên, nhưng ngay khi so sánh với những người láng giềng trong khu vực, Thể thao Việt Nam vẫn chưa thể so đọ được khi Thái Lan đã có 18 huy chương Olympic (6 HCV, 2 HCB, 10 HCĐ), Indonesia có 20 huy chương các loại (5 HCV, 8 HCB, 7 HCĐ), Philippines giành 1 HCB, 5 HCĐ… tại các kỳ Olympic mà họ từng tham gia. Trong lúc đó, khoảng cách giữa 2 tấm HCB của chúng ta là 8 năm - một quãng thời gian quá dài.
Không phủ nhận thành công của cá nhân Hoàng Anh Tuấn khi chàng trai 23 tuổi này đã vượt qua chính mình để đưa mức tạ từ 285 kg - giành ngôi á quân ASIAD 15 - lên 290 kg và cũng giành HCB nhưng giá trị bội phần so với sân chơi châu lục. Thế nhưng, nhìn vào biểu đồ cũng như sự chuẩn bị và cả những kỳ vọng, có thể khẳng định, Thể thao Việt Nam đã thất bại tại Bắc Kinh 2008. Ở đây, thất bại lớn nhất với phần lỗi, không hẳn từ các VĐV.
Chẳng thể trách Tiến Minh, Văn Hùng, hay Mạnh Tường, Hoài Thu… đã “không vượt được chính mình”. Bởi lẽ, ngay cả những người có trách nhiệm còn chưa “vượt được chính mình” với nếp nghĩ hoặc là “dàn quân tiến vào Olympic”, hoặc là cứ tập trung cho SEA Games là “vừa tầm” thì quả rất khó cho những “người lính tác chiến”. Chỉ mới mỗi việc Ngân Thương “dính” doping mà lắm người có trách nhiệm vội chối bỏ trách nhiệm và nhất nhất quy tội cho cô gái còn quá ngây thơ ấy - ngoại trừ người thầy trực tiếp của Ngân Thương - thì rất khó hy vọng ở một tầm nhìn xa cho những mục tiêu chiến lược.
Với tầm nhìn của mình, ngay tại Bắc Kinh 2008, chính những “viên đá lót võ sĩ người Nigeria Chukwumerije - sau khi đánh bại Văn Hùng - đã hạ gục cả “Độc cô cầu bại” thế giới Mobido Keita (Mali) để hiên ngang bước vào bán kết. Thông tin đến từ Trung Quốc về việc nhà Vô địch Thế giới 2006 Li Zheng bị loại và thay bằng một VĐV chỉ 18 tuổi Qinquang Long, chưa từng có tên trong bảng xếp hạng của IWF nhưng vượt qua mức tổng cử 292 kg trong cuộc tuyển chọn của nước chủ nhà, vẫn bị bỏ ngoài tai. May mắn khi Hoàng Anh Tuấn và Ban huấn luyện đội Cử tạ tỉnh táo để chấp nhận chiếc HCB. Nếu không, có khi “mất cả chì lẫn chài” với cách nghĩ của những lãnh đạo đoàn.
Bài học về đầu tư chiến lược của nước chủ nhà Bắc Kinh 2008 không hề mới khi ưu tiên đầu tư những môn thế mạnh, từng có huy chương thế giới và tập trung các môn có nhiều huy chương cũng như lựa chọn đầu tư những cự ly, hạng cân, nội dung phù hợp với cả điều kiện chủ quan và khách quan. Và đáng kể hơn, dù mới phát triển nhưng Trung Quốc vẫn giành HCV taekwondo, tennis, đấu kiếm lẫn quyền Anh.
Ngược lại, dù “làm mưa, làm gió” ở “ao làng” nhưng khi bước ra biển lớn, bắn súng lẫn những VĐV võ thuật hay các đô vật Việt Nam đều bị che khuất. Ở đây, không thể nói đến chiều cao, cân nặng khi bắn súng đâu dựa trên thể hình và các môn võ đều căn cứ vào hạng cân! Cho nên, khoảng cách 2 kg của Hoàng Anh Tuấn với Qinquang Long tưởng mỏng manh nhưng xem ra dịu vợi.
Và để tiếp cận những thành công lớn, đừng quá ảo tưởng vào những thành công như đã ảo tưởng vào những tấm HCV Wushu tại Bắc Kinh lần này. Hãy nhìn vào người Thái để thấy rằng, cô gái 24 tuổi Jaroenrattanatarakoon P, chỉ cao 1,57 mét nhưng đã lập kỷ lục Olympic nội dung cử tạ hạng 53 kg. Chỉ một sự đánh giá nghiêm túc và cầu thị, Thể thao Việt Nam mới có cơ hội thực sự trong tương lai.
NGUYÊN AN