.

“Sân chơi” hay thành tích?

.

Do sự cố đánh nhau giữa cổ động viên đội chủ sân Nghệ An và khán giả Hải Phòng, sân Vinh đã bị tước quyền đăng cai vòng chung kết giải Bóng đá U-21 Báo Thanh Niên năm 2008. Trong lúc rất nhiều người yêu bóng đá chân chính nuối tiếc khi các cầu thủ trẻ xứ Nghệ không còn cơ hội thể hiện ở sân chơi bóng đá trẻ thì “đùng một phát”, hàng loạt gương mặt trẻ Nghệ An đã được có mặt trên sân Quy Nhơn trong những ngày này.

Chính từ “sân chơi” U-21, Thanh Phúc đã  trở thành một trong những trụ cột của bóng đá Đà Nẵng những năm qua.

Trong sắc áo đội chủ nhà U-21 Bình Định còn có Trọng Hoàng, Minh Nhựt, Đình Đồng, Đình Hiệp cùng với việc Văn Bình, Quang Tình, Âu Văn Hoàn, Đắc Khánh… được bổ sung cho Huế. SHB Đà Nẵng có sự tăng cường của 2 cầu thủ gốc Tiền Giang là Phúc Hiệp và Long Giang. Trong lúc đó, Nhật Tân khoác áo An Giang. Đương kim vô địch Khánh Hòa có sự hỗ trợ của các cầu thủ Cà Mau và trung vệ Quốc Anh (Tiền Giang). Với tư cách chủ sân, Bình Định còn được ưu ái bổ sung 3 cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai. Các đội Đồng Nai, CLB TP. Hồ Chí Minh cũng có những sự bổ sung đáng kể.

Lý giải về sự bổ sung này, những người có trách nhiệm giải thích, do mục tiêu của bóng đá Việt Nam là chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 2009 nên điều lệ cho phép các đội “bổ sung cầu thủ từng thi đấu vòng loại hoặc từ các đội mạnh khác không có mặt ở vòng chung kết, miễn  bảo đảm đúng độ tuổi quy định (chưa kể đến việc tăng cường 3 cầu thủ sinh năm 1986)”. Thế nhưng, chính những thay đổi này đã bộc lộ khá nhiều bất cập. Trong đó, mối nguy lớn nhất chính là khả năng triệt tiêu động cơ phấn đấu của những cầu thủ trẻ.
 
Không ít người trong số những cầu thủ đã gắn bó và phấn đấu ở từng trận đấu bảng cùng đồng đội để giành vé vào chung kết, nay bỗng dưng trở thành người ngồi xem khi sự bổ sung này vô tình biến họ thành người thừa! Và với sự mặc cảm “người thừa” ấy, không chỉ các cầu thủ mà ngay cả những phụ huynh của những cầu thủ trẻ này hẳn không thể tránh khỏi cảm giác hụt hẫng.

Để rồi, liệu rằng nhiệt huyết với bóng đá có còn không ở những gia đình này? Mặt khác, những sự bổ sung này có giúp cho những địa phương có đại diện ở vòng chung kết đánh giá đúng hiệu quả công tác đào tạo trẻ của mình hay không? Và khi những đánh giá thiếu chuẩn xác, chắc chắn chiến lược đào tạo trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Chưa kể việc các đội bóng ở những tỉnh, thành được lọt vào và giành được thành tích ở vòng chung kết nhờ may mắn hơn thực lực sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan. Hơn thế nữa, quy định bổ sung cầu thủ có thể sẽ tạo nên những tiền lệ không tốt đối với công tác đào tạo trẻ ở nhiều địa phương.

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của Báo Thanh Niên trong việc phát hiện những nhân tố mới để tạo nguồn bổ sung cho bóng đá Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Đây cũng là một “sân chơi” được đánh giá rất trong sáng trong bối cảnh bóng đá Việt Nam vẫn đầy rẫy những vấn nạn tiêu cực. Không ít đội chủ sân từng bị loại tức tưởi trước vòng bán kết như Gia Lai (2004), Đà Nẵng (2007) hay thất bại tại vòng bán kết như An Giang (2003).

Tất cả cho thấy, sân chơi U-21 thực sự “xanh, sạch, đẹp” như khẳng định của Trưởng Ban tổ chức giải, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế. Thế nhưng, chính sự bổ sung ồ ạt ở giải lần này đang đặt ra cho công tác đào tạo trẻ những câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời. Bởi, việc tìm kiếm tài năng bóng đá trẻ không chỉ căn cứ vào sân chơi U-21 mà VFF phải có trách nhiệm theo dõi từ những giải đấu mang tính phong trào (hạng nhì, hạng ba) cho đến các giải hạng nhất, V-League. Nếu không, từ một “sân chơi”, không khéo giải bóng đá U-21 lại là nơi để “các chú”, “các bác” làm biến tướng, bởi căn bệnh thành tích vốn quen thuộc với bóng đá Việt Nam!

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.