.

Tài năng bóng đá trẻ đi về đâu?

.

Đánh giá về sự đóng góp của giải Bóng đá trẻ U-21 Báo Thanh Niên, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định: “Từ sân chơi U-21, các cầu thủ trẻ đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm thi đấu và quan trọng hơn là khẳng định được tài năng, giá trị của mình. Có những cầu thủ trưởng thành từ sân chơi này hiện được nhiều CLB chuyên nghiệp chú ý.
 

Có được môi trường thuận lợi, tương lai của Thanh Hưng (Đà Nẵng, trái) hẳn sáng sủa hơn Hoài Hậu (TP. Hồ Chí Minh, phải).

Các đội bóng cũng ý thức rằng, để có những kết quả khả quan tại giải Bóng đá U-21 Báo Thanh Niên, cần phải quan tâm đến công tác đào tạo trẻ, cầu thủ thi đấu nhiệt huyết với tinh thần cống hiến cho người hâm mộ. Trên cơ sở này, lực lượng các đội tuyển quốc gia phần nào có được sự kế thừa”. Và chính từ vòng chung kết giải lần thứ 12 (2008), hàng loạt gương mặt trẻ như Nguyễn Đức Thiện, Lê Đức Tài (CLB TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Thắng (Đồng Nai), Lê Văn Hưng (Khánh Hòa)... đã có những màn ra mắt đầy ấn tượng.

Bên cạnh đó, những tên tuổi như Phan Thanh Hưng, Cao Cường, Phạm Nguyên Sa (Đà Nẵng), Lê Thành Tài, Nguyễn Trọng Hoàng (Bình Định), Hoàng Đình Tùng (Khánh Hòa), bộ đôi Nam Định: Hoàng Danh Ngọc - Hoàng Nhật Nam... vẫn tiếp tục khẳng định được vai trò của mình sau khi trở về từ V-League. Thế nhưng, không hẳn tất cả những tài năng trẻ này sẽ có cùng môi trường để tiếp tục phát tiết.

Ngoài những gương mặt nổi bật từng được khoác áo V-League hoặc là quân của các CLB chuyên nghiệp và hạng nhất, cơ hội vẫn rộng mở thì ngược lại, không ít người trong số còn lại vẫn không dễ xác định được tương lai.

Hẳn những Đức Tài, Đức Thiện, Trọng Phú, Thành Nam, Lê Văn Hưng... sẽ rất băn khoăn khi nhìn về phía trước. Đến lúc này, bóng đá TP. Hồ Chí Minh cũng như Vĩnh Long của Lê Văn Hưng vẫn nằm ngoài sân chơi V-League lẫn hạng nhất. Điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội của họ sẽ thấp hơn nhiều so với những đồng nghiệp trẻ thuộc Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Nam Định hay Thừa Thiên - Huế, Bình Định.

Và thật đáng tiếc với những gì từng thể hiện, các cầu thủ trẻ này hoàn toàn không thua kém những cầu thủ đồng lứa khác. Thậm chí, nếu không muốn nói, vẫn tốt hơn khi không ít trong số này đã được tăng cường và đạt hiệu suất thi đấu khả quan hơn nhiều so với những “ông sao” khác.
 
Bởi khá mỉa mai vì những Tăng Tuấn, Ngọc Nguyên (đến từ Hoàng Anh Gia Lai) hay Đình Hiệp (đến từ Sông Lam Nghệ An) lại là những tác nhân quan trọng khiến chủ nhà Bình Định bị loại từ vòng đấu bảng với kỷ lục đáng buồn khi 3 cầu thủ này đều bị truất quyền thi đấu sau 3 trận vòng bảng của đội chủ sân Quy Nhơn. Nhìn xa hơn, những cầu thủ trẻ Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Yên... từng đăng quang ở những giải bóng đá trẻ quốc gia đã không có nhiều cơ hội được cống hiến trọn vẹn cho bóng đá Việt Nam khi môi trường bóng đá tại những địa phương này không hoàn toàn thuận lợi.

Nếu Văn Quân vẫn không rời Tuyên Quang hay cầu thủ 17 tuổi Lê Mai Lâm Thanh Phong khi chấp nhận ra đi từ TP. Hồ Chí Minh để đến với bóng đá Đà Nẵng, hẳn cả hai mãi mãi vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”. Song, liệu rằng, Đức Thiện, Đức Tài, Văn Hưng... có được phép ra đi để thỏa mãn khát vọng cống hiến của mình hay vẫn chịu sự ràng buộc của những nơi đã giúp họ trưởng thành? Để đến lúc này, vẫn đau đáu một câu hỏi về tương lai của những tài năng bóng đá trẻ mà câu trả lời không thuộc về chính họ!

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.