.

Vinh quang & cay đắng

.

Từng được chúc tụng như một người hùng của bóng đá Đà Nẵng nhưng sau “sự cố” tại SEA Games 2005, HLV Lê Thụy Hải đã rời đội bóng sông Hàn trong lặng lẽ. Để sau đó, những lần trở lại mảnh đất này, không ít người xem ông như “cựu thù” khi trở thà­­nh “thuyền trưởng” của đội Bình Dương. Hẳn không chỉ ông Hải, mà ngay cả những người có lòng tự trọng đều cảm thấy quá nhiều cay đắng và không khó để cảm nhận được cái phận bạc bẽo của nghề HLV bóng đá.

Một nhà cầm quân như ông Lê Thụy Hải vẫn từng cam chịu quá nhiều bạc bẽo của nghề HLV.

Có lần, bên bàn cà-phê, ông Hải từng tâm sự: Với tôi, làm hay không, không quan trọng. Vấn đề là làm như thế nào và làm gì! Lương hưu đã giúp tôi đủ sống, trong lúc con cái đã lớn và kinh tế cũng ổn định nên tôi đến với bóng đá chỉ vì yêu bóng đá và muốn làm bóng đá…

Với một HLV tài năng, đầy cá tính như ông Hải cùng ước muốn quá giản đơn ấy cũng không hẳn dễ dàng, huống gì những nhà cầm quân khác. Ngay mùa giải vừa qua, chiếc “cối xay HLV” đã vận hành gần như với công suất tối đa. Đáng buồn thay khi phần lớn những HLV phải mất việc giữa chừng, không hẳn do năng lực. Chỉ tính ở V-League 2008, đã có 4 đội bóng “thay ngựa giữa dòng” mà người “đau” nhất có lẽ là ông Phan Thanh Hùng của Đà Nẵng.

Thực ra, những người thạo chuyện đều biết rằng, việc Đà Nẵng thua liên tiếp 3 trận đầu mùa chỉ là cái cớ để lãnh đạo SHB “trảm”  nhà cầm quân người Đà Nẵng. Còn nguyên nhân thì chính những thành viên của CLB này hiểu rõ hơn ai hết. Để lý giải cho việc thay đổi này, người ta cho rằng, đội bóng cần “đổi vận”. Thực ra, chẳng có “vận, hạn” gì ở đây.  Chẳng phải ông Hoàng Văn Phúc (Hà Nội ACB) ra đi hay Hòa Phát Hà Nội đến 2 lần thay tướng nhưng cả 2 đều bị xuống hạng đó sao?

Với bóng đá Việt Nam, việc một số cầu thủ được ai đó “chống lưng” để “lật thầy” không lạ. Nhà cầm quân bị “trảm” muộn nhất ở V-League 2008 là ông Patricio khi trong giai đoạn cuối mùa, Đồng Tâm Long An thua liên tiếp để tụt xuống vị trí thứ 9. Những người am hiểu bóng đá Việt Nam chẳng lạ gì việc các cầu thủ Đồng Tâm Long An “làm mình, làm mẩy” để khỏi phải “nuốt” khối lượng các bài tập thể lực do vị HLV này đưa vào giáo án huấn luyện. Thậm chí, không ít lãnh đạo của CLB này cũng phải chấp nhận… hùa theo, phản ứng quyết liệt ông Patricio chỉ với mục tiêu… xoa dịu cầu thủ! Dĩ nhiên, cái kết “có hậu” bao giờ cũng thuộc về các cầu thủ và HLV là người phải ra đi.

Nói đến cái bạc bẽo của nghề HLV, ông Hải từng bộc bạch, trong giai đoạn đầu của V-League 2008, lắm lúc ông trở thành cái đích để cổ động viên Bình Dương trút giận khi đội đương kim vô địch lâm vào tình cảnh rất bi đát. Không thiếu những khẩu hiệu, băng-rôn được giăng trên sân Gò Đậu yêu cầu ông ra đi dù chỉ mới đó, ông từng là “người hùng” khi mang về cho Bình Dương ngôi vô địch đầu tiên. Một cái khó khác mà không ít HLV từng gánh chịu còn là chuyện… tiền nong.

Ông Patricio  đã bị “trảm” không hẳn vì lý do chuyên môn.
Bởi ông Hải được mời về Bình Dương vào giữa mùa 2006 khi đội bóng này đang đối mặt với nguy cơ tụt hạng. Mục tiêu của lãnh đạo là chấp nhận xuống hạng và ông Hải được xem như một “kiến trúc sư” để xây dựng lại bóng đá nơi đây từ hạng nhất. Vậy mà khi đưa Bình Dương đến ngôi Á quân, ông cũng chẳng nhận được một lời cảm ơn! Hay khi bị thanh lý hợp đồng trước hạn, để yêu cầu phía đội bóng hoàn tất các thủ tục thanh lý, lắm lúc các nhà cầm quân bị cho là… vòi vĩnh.
 
Cũng thật oái oăm khi bước vào V-League 2008, việc sa thải HLV Dương Ngọc Hùng bị xem là “tất yếu vì chúng tôi muốn tạo luồng sinh khí mới từ thành công của đội U-21” như khẳng định của Giám đốc Sở TDTT Bình Định lúc bấy giờ là ông Lê Văn Minh thì sau thất bại của Bình Định tại V-League 2008, vị HLV này lại được xem là “cứu tinh” của bóng đá đất Võ Tây Sơn trong tương lai gần.

Sự bạc bẽo của nghề HLV có thể được đúc kết từ ý kiến của một HLV bóng đá lão làng: “Nghề này lấy của chúng tôi nhiều sợi tóc đen nhất và thay vào đó là những sợi tóc bạc, lấy của chúng tôi sự vui thú của tuổi thanh xuân và thay bằng sự lo âu, tuổi già và sự cay đắng, bạc bẽo”.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.