.

Ai buồn hơn ai?

.

Cái buồn trong thể thao, một lần nữa lại được đem ra so sánh. Trong một phát biểu mới nhất sau thất bại tại Giải bóng đá quốc tế TP. Hồ Chí Minh, nhìn lại kết quả nghèo nàn thành tích hiu hắt của đội tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Calisto nói rằng khán giả và người hâm mộ Việt Nam không buồn bằng chính bản thân ông và các tuyển thủ.

Ông calisto ( phải) đưng để người hâm mộ thất vọng lần nữa trong giải đấu quốc tế sắp đến.

Có lẽ người đứng đầu đội tuyển muốn nhấn mạnh về nỗi thao thức của ông khi chưa thể làm hài lòng người hâm mộ, về lòng tự trọng của một người hiểu mình đang hưởng đồng lương từ đâu và có trách nhiệm với chính bản thân mình làm sao để không thấy buồn trước niềm tin của công chúng.

Có thể ông Calisto - vốn được biết đến như một nhà cầm quân có bản lĩnh, giàu lòng tự trọng - có lý và có đủ cơ sở để tin rằng con đường giành lấy hạnh phúc đối với ông lúc này chính là làm sao cho bóng đá Việt Nam phát triển, đội tuyển Việt Nam ngày càng tiến bộ. Và khi chưa làm được điều này thì người buồn nhất chính là ông - người có trách nhiệm cao nhất về thành - bại của đội tuyển quốc gia.
 
Nhưng sẽ khập khiễng biết bao nếu đem nỗi buồn ra mà cân đong để rồi khẳng quyết ai buồn hơn ai trong chuyện này. Quả là chẳng thể nào làm được điều ấy bởi một lẽ giản đơn nhưng cũng thật sâu xa: Làm sao so sánh nỗi buồn của một người hiểu mình không hoàn thành nhiệm vụ với nỗi thất vọng của một công chúng luôn thổn thức với màu cờ sắc áo và tình tự dân tộc qua sân chơi thể thao, một cộng đồng người hâm mộ phần nào cảm thấy niềm tin của mình có phần sứt mẻ.

Sẽ là phiến diện và thiếu công bằng nếu chỉ căn cứ vào tỷ số các trận đấu ở một giải đấu mang tính tập huấn để đo lường chất lượng một đội tuyển vừa mới tập trung dưới tay một thuyền trưởng mới. Những người hâm mộ tỉnh táo chắc chắn không buồn vì đội tuyển mến yêu của mình thua cả 6 trận trước các đối thủ phần lớn có trình độ nhỉnh hơn mình như Olympic Trung Quốc, Olympic Brazil, Turkmenistan.

Điều khiến họ không hài lòng- thậm chí thất vọng- là đội tuyển đã trình bày một khuôn mặt nhợt nhạt, thiếu thần sắc. So với chất hừng hực, giàu cảm hứng mà đội tuyển từng phô diễn trước đây, đặc biệt ở cúp bóng đá châu Á, khuôn mặt ấy xa lạ đến không ngờ. Chứng kiến một người tình mà mình dốc cả thưong yêu, gửi gắm nhiều tin cậy và trông chờ biết bao điều tốt đẹp bỗng dưng thay đổi dung nhan, tính khí, lướt qua đời mình như kẻ vô tâm, thử hỏi có ai không khỏi đau lòng!

Điều an ủi lúc này là vẫn còn cơ hội để người tình ấy nhìn lại mình mà sửa đổi tâm tính, chăm chút dung nhan, vẫn còn dịp để chứng minh rằng người tình ấy không hề phụ rẫy. Ông Calisto phân trần rằng giải đấu vừa qua cũng như các trận thử lửa trước đó đều mang tính tập huấn, điểm rơi của đội chính là Cúp bóng đá Đông Nam Á quy tụ đầy đủ anh tài khu vực. Nhiều tuyển thủ Việt Nam cũng muốn được cảm thông, chia sẻ như vậy và hứa sẽ dốc sức vì màu cờ sắc áo.

Mong sao điều này là sự thật chứ không hề có chuyện hục hặc, bất ổn nội bộ nào, mong sao nỗi buồn của nhà cầm quân sớm biến thành động lực hướng đến niềm vui. Và người tình tri kỷ của hàng triệu trái tim yêu mến bóng đá Việt Nam, mong sao lại mặn mà, đằm thắm như ngày nào.

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.