.

Bóng đá sống khỏe, dù kinh tế toàn cầu suy thoái

.

(ĐNĐT) - Cho dù toàn thế giới bị ảnh hưởng từ cơn suy thoái kinh tế nhưng những con số thống kê từ bóng đá cho thấy môn thể thao vua vẫn phát triển tốt. Bóng đá thoải mái sống trong “mắt bão” suy thoái kinh tế.

Xứng đáng là Vua

Nếu có một môn thể thao có thể sống sót qua cơn khủng hoảng tài chính thế giới thì chỉ có là bóng đá, nên nó xứng đáng với cái danh “môn thể thao Vua”. Mặc dù có nhiều CLB chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn suy thoái này như mất nhà tài trợ, thay đổi chủ tịch..., nhưng tiền vẫn chảy vào chỗ trũng của thị trường, chạy vào các hợp đồng bản quyền truyền hình và các nhà tài trợ đa quốc gia, bởi đây vẫn là những nơi những người luôn biết cách hái ra tiền.

Những trận cầu quốc tế như thế này luôn đem lại bộn tiền.

Bóng đá ở đẳng cấp cao trong thế giới giải trí nên nó luôn có sức hấp dẫn cực kỳ với các nhà đài. Và các nhà đài đã nhận ra rằng, trong cơn suy thoái này nhiều người buộc phải chọn loại hình giải trí rẻ tiền. Bóng đá đảm bảo cả hai thứ: hấp dẫn và rẻ tiền.

Những con số biết nói

UEFA đã công bố tổng thu từ VCK Euro 2008 diễn ra ở Áo và Thụy Sỹ hồi mùa hè vừa qua là 2 tỷ USD và mức lãi khoảng 400 triệu USD. Tuy nhiên, UEFA vẫn chưa vội bán Euro 2012 ở Ba Lan và Ukraine. Mùa giải Champions League hiện thời dự kiến sẽ đem về 1,115 tỷ USD. Bản quyền truyền hình cho Champions League từ mùa giải 2009-2010 cho đến 2011-2012 cũng đã được rao bán với mức giá tăng hơn 10% so với mùa giải năm nay. Họ có bốn đối tác lớn là Ford, Heineken, MasterCard và Sony cho Champions League từ 2009-2012. Nhà vô địch Champions League, Manchester United có 67 triệu USD tiền thưởng và tiền bản quyền truyền hình ở mùa giải vừa qua.

Philipp Grothe, một trùm truyền thông ở Thụy Sỹ, đã có kinh nghiệm về các hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá trong hai thập niên qua. Ông Philipp Grothe trả lời phỏng vấn hãng tin AP nói rằng, khi đồng tiền khó kiếm ra thì bóng đá trở thành món hàng kinh doanh chắc thắng bởi vì chỉ có bóng đá mới có thể giúp cho các nhà tài trợ, các nhà đài mãn nhãn với khối lượng khán giả khổng lồ. Chẳng hạn như World Cup 2006 ở Đức là một trong những sự kiện thể thao có số lượng khán giả theo dõi nhiều nhất hành tinh. FIFA tổng kết là có 26,3 lượt tỷ người theo dõi qua 376 kênh khác nhau.

World Cup 2010 vừa được rao bán và FIFA chắc mẩm bỏ túi khoảng 3,2 tỷ USD dù bóng vẫn chưa lăn ở Nam Phi. Trong số lợi nhuận dự kiến 3,2 tỷ USD ở World Cup 2010 thì 90% là từ bản quyền truyền hình và tiếp thị. Người phát ngôn của FIFA Pekka Odriozola cho biết, nhiều hợp đồng đã được bảo đảm tại ngân hàng, các đối tác truyền hình cũng đã có hợp đồng hẳn hoi. Ngoài ra, FIFA còn có các đối tác lâu dài như One, Coca-Cola ký hợp đồng tới năm 2022; hãng hàng không Emirates chi ra 195 triệu USD để hợp tác tới World Cup 2014 ở Brazil.

Giải Ngoại hạng Anh (Premier League) xứng đáng là giải đấu hấp dẫn nhất khi bản quyền truyền hình đã bán đến hết mùa giải 2012-2013. Các nhà phân tích kinh tế tin rằng các hợp đồng trong nước của Anh sẽ đánh bại giá trị hợp đồng có thời hạn 3 năm hiện thời mà Sky và Setanta đã bỏ ra 2,94 tỷ USD. Truyền hình toàn cầu và các quyền lợi truyền thông khác sẽ đem về cho các CLB ở Premier League khoảng 1,73 tỷ USD nữa.

HẠC NGUYỄN

;
.
.
.
.
.