.

Chính và phụ

.

Ai mang niềm vui đến với mình, người ấy sẽ được ghi nhớ và tôn vinh. Tôi chiêm nghiệm điều này khi theo dõi giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á vừa kết thúc với chiếc huy chương bạc dành cho các tuyển thủ nữ Việt Nam.

Trong một khu phố nhỏ ở Xóm Tre - một địa danh có từ xưa thuộc phường Vĩnh Trung, Đà Nẵng - tôi xúc động đến bất ngờ khi trận chung kết giữa Việt Nam và Úc được bà con nam phụ lão ấu chờ đợi theo dõi với tất cả hào hứng qua màn ảnh truyền hình.

Phải chăng thất vọng về phong độ của các tuyển thủ nam trong màu áo tuyển thủ quốc gia mà người hâm mộ lại kỳ vọng vào đội tuyển nữ ? ( ảnh tư liệu )

Nhiều bà mẹ chuẩn bị sớm bữa cơm chiều để khỏi phải bỏ sót một tình huống nào trong trận đấu lịch sử mà họ tin rằng các đứa em, đứa cháu của mình trong thành phần đội tuyển Việt Nam sẽ làm đẹp thêm lên những tình tự sắc áo màu cờ. Tiếng hò reo cổ vũ không ngớt vang lên mỗi khi các cầu thủ của mình đứng trước các cơ hội uy hiếp phần sân đội khách.

Dù cuối cùng, trước đối phương vượt trội về nhiều mặt, ước vọng về ngôi vô địch không thành, nhưng có vẻ điều ấy không hề làm phai nhạt niềm vui và nỗi hứng khởi trong nhiều người sau khi chứng kiến các nữ nhi trong màu áo tuyển thủ nước nhà đã cống hiến tận lực, sòng phẳng trong một trận chung kết đúng nghĩa. Cái xóm nhỏ hạnh phúc ấy có lẽ là điển hình cho một Việt Nam rộng lớn - từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau - lúc nào cũng ấm nóng tình dân tộc, sẵn sàng dành tất cả thương yêu cho những giá trị chân chính trên thao trường.

Chợt vang lên trong tôi câu hỏi: Phải chăng thất vọng về phong độ trồi sụt thất thường của các tuyển thủ nam trong màu áo đội tuyển quốc gia đã khiến bà con dành tất cả thương yêu, kỳ vọng vào đội tuyển nữ? Hay là chính chất ngoan cường, sự tận lực quyết không đầu hàng số phận của các tuyển thủ nữ đã dần dà chinh phục niềm say mê bóng đá của người hâm mộ? Trong tình cảm mà người hâm mộ cả nước dành cho đội tuyển bóng đá nữ lúc này có thể có cả hai lý do này.

Tình cảm ấy, xét cho cùng, bắt nguồn từ một nguyên lý: Lòng ngưỡng mộ và sự tôn vinh chỉ dành cho những ai biết trân quý niềm tin của công chúng, biết hy sinh vì niềm vui chân chính của cả cộng đồng. Và chẳng có sự phân biệt chính-phụ trong các tác nhân tạo nên niềm hứng khởi: Tuyển nam hay tuyển nữ nào có gì quan trọng, nếu như tất cả họ không biết chiến đấu vì sắc áo màu cờ, không đặt lợi ích chung lên những tính toán vị kỷ, riêng tư!

Tuy vậy, có một thực tế như một tỳ vết không vui còn lâu mới có thể gột rửa trong cách làm bóng đá ở xứ sở mình: Niềm vui của công chúng chưa hẳn là chi tiết tâm đắc của các nhà quản lý, điều hành bóng đá. Thế cho nên, dù bóng đá nữ thi đấu nổi đình nổi đám ở khu vực, từng mang cúp và huy chương vàng về làm sáng loáng phòng truyền thống của trụ sở liên đoàn - điều mà bóng đá nam nhiều năm nay chưa làm được - thì sân chơi của chị em vẫn không vì thế mà thoát khỏi tình cảnh bẽ bàng của một sân chơi phụ.

Trong các đề án phát triển, các kế hoạch nâng chất môn bóng đá nói chung, bóng đá nữ dường như luôn đứng khép nép bên cái bóng cao to vạm vỡ của bóng đá nam. Người ta chỉ chợt chú mục vào nhân vật phụ này mỗi khi chính nó mang về vinh quang, thành tích hoặc khi có sự thúc ép từ các dự án phát triển xuất phát từ FIFA hay AFC (oái oăm thay, nhiều quan chức liên đoàn từng dùng các tấm huy chương của bóng đá nữ để chống đỡ búa rìu dư luận). Cách thức khai thác công trạng của bóng đá nữ cũng mang tính ăn xổi ở thì, thiếu hẳn kế hoạch phát triển chiều sâu với tầm nhìn xa. Vậy nên mới đây, không ít người giật mình khi nhìn lại quá trình chuẩn bị bài bản của bè bạn quanh mình: Thái Lan, Myanmar và cả Lào cũng tính toán cho mình các bước phát triển dài hạn có hệ thống, khởi đầu từ việc đầu tư cho bóng đá nữ ở học đường.

Không hề có đẳng cấp trong nềm vui thể thao, không ai là chính, chẳng ai là phụ trong sự tôn vinh ngưỡng vọng của công chúng. Chỉ có sự ù lỳ, biếng nhác không tìm ra lối đi thích hợp dựa vào tầm vóc, sức lực của chính mình.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.