.
GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN - ĐÀO TẠO VĐV ĐẶNG ĐÔNG HẢI:

Phải tạo đà từ năm 2009

.

Sau khi thành phố Đà Nẵng chính thức được trao quyền đăng cai tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), ngành TDTT thành phố càng tất bật hơn trong công tác chuẩn bị. Đặc biệt là những vấn đề chuyên môn, xây dựng lực lượng; trong đó, những thành tích thi đấu tại các giải đấu trong năm 2009 được xem là bước dậm đà cần thiết cho nỗ lực chinh phục những mục tiêu mới khi Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) diễn ra ngay tại Đà Nẵng. Giám đốc Trung tâm Huấn luyện-Đào tạo VĐV thành phố Đà Nẵng (Sở VH-TT và DL) ĐẶNG ĐÔNG HẢI cho biết:

-Được xem là năm “bản lề” trước thềm Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), chúng tôi đang cố gắng tối đa để tạo được một bước “dậm đà” trong các giải thi đấu của năm 2009, cả trong và ngoài nước. Ngoài gần 90 giải trong nước, Thể thao Đà Nẵng cũng có kế hoạch thi đấu 5 giải quốc tế gồm giải Bơi Trẻ Đông Nam Á (tháng 6-2009, tại Singapore), giải Canoeing Vô địch Đông Nam Á (tháng 6, tại Thái Lan), giải Rowing Vô địch châu Á (tháng 6, tại Myanmar), giải Điền kinh Thái Lan mở rộng (tháng 7, tại Thái Lan) và giải Cờ Vua Trẻ châu Á (tháng 8, tại Iran).
 
Trong đó, mục tiêu của chúng tôi vẫn là ở các giải Vô địch quốc gia cùng một số giải Trẻ. Xây dựng kế hoạch giành 29 HCV và vẫn tập trung ở những môn thế mạnh như Điền kinh, Bơi lội, Billiards, các nội dung Đua thuyền, Pencak Silat, Cử tạ… cùng với việc mở rộng phạm vi tranh chấp cho các môn võ, cờ, Thể dục thể hình…, chúng tôi tin rằng, chiến lược phát triển của Thể thao Đà Nẵng đang đúng hướng và có cơ sở.
 
Bởi trong những mùa thi đấu gần đây, chính những môn thể thao nói trên đã mang về cho Thể thao Đà Nẵng không ít kết quả đáng mừng. Đó là kỷ lục quốc gia của Trần Thị Ngọc Ly (Điền kinh), thành tích vượt bậc của Hoàng Quý Phước và những VĐV bơi Đà Nẵng tại các giải Bơi đường dài, giải Bơi các nhóm tuổi cùng đỉnh cao là tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh 2008.

* Nhưng để tạo được một bước “dậm đà” cần thiết, cụ thể, trung tâm đã có sự chuẩn bị như thế nào cho việc thực hiện kế hoạch trong năm 2009?

Canoeing được xem là một trong những môn thể thao chủ lực của Đà Nẵng không chỉ tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010).

- Ngoài việc tích cực tập huấn, chuẩn bị thật tốt cho các giải thi đấu trong nước và tranh thủ tích lũy những kinh nghiệm, những yếu tố chuyên môn tại các giải quốc tế, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch tập huấn cho những bộ môn chủ lực, cả trong và ngoài nước.

Những đội tuyển như cờ Vua, cờ Tướng, Judo, Pencak Silat sẽ được tập huấn tối thiểu 1 tháng tại những trung tâm mạnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Wushu có đến 2 tháng tập huấn tại Hà Nội. Một số VĐV Điền kinh sẽ được tập huấn tại Nhổn. Đồng thời, những VĐV chủ lực nằm trong kế hoạch tranh chấp HCV sẽ được tập huấn dài hạn tại Trung Quốc như Bơi, Lặn, Điền kinh, Cử tạ, Judo với thời gian ít nhất là 60 ngày. Riêng các VĐV Canoeing, Rowing sẽ sang Hungary tập huấn trong vòng 1 tháng.

* Không chỉ yếu tố con người, vấn đề đầu tư trang-thiết bị của trung tâm sẽ như thế nào?

- Chúng tôi không duy ý chí khi xây dựng mục tiêu một cách mơ hồ; đặc biệt, trong bối cảnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật tác động rất mạnh đến thành tích thể thao. Vì thế, ngoài các yêu cầu đầu tư trang-thiết bị tập luyện, thi đấu cho VĐV, Trung tâm HL-ĐT VĐV thành phố đã đề xuất được đầu tư một số thiết bị ngoại nhập từ Italia như máy kích thích điện và chẩn đoán điện từ, máy giác hút chân không hai kênh, máy siêu âm điều trị cầm tay, máy điều trị từ trường MG-WAVE, máy kéo giãn cột sống giường cố định TU100, bồn thủy trị liệu 1115T với mục tiêu phục hồi chức năng cho VĐV.

Gần đây nhất, lãnh đạo thành phố vừa phê duyệt dự án xây dựng khu nhà ở 6 tầng cho VĐV của trung tâm ngay trong khuôn viên sân vận động Chi Lăng. Với những sự quan tâm như thế, chúng tôi càng ý thức hơn trách nhiệm của mình với sự nghiệp TDTT thành phố Đà Nẵng và sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian đến…

BẢO AN (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.