.

Những người chân chính

.

Vòng 6 giải bóng đá ngoại hạng Anh, trận Manchester United tiếp đối thủ tầm trung trên sân nhà. Ronaldo đi bóng thần tốc vào khu cấm địa đối phương trước sự đeo bám như hình với bóng của hậu vệ Lloy Samuel. Một cú tắc bóng đầy quyết đoán của hậu vệ Bolton đã đẩy quả bóng vượt khỏi tầm kiểm soát của Ronaldo trước khi tiền vệ đội chủ nhà ngã sóng soài trong khu phạt bóng.
 

Ronaldo. (ẢNH tư liệu)
Tiếng còi cất lên và trọng tài Rob Styles không chút lưỡng lự chỉ tay vào chấm phạt đền. M.U vươn lên dẫn trước từ pha đá phạt chính xác của chính Ronaldo. Trận ấy, đội chủ sân Old Trafford giành trọn 3 điểm bằng chiến thắng 2-0 .

Không ai nghi ngờ chiến thắng của M.U bởi trên thực tế, trận ấy đội chủ nhà ở thế lấn lướt hoàn toàn. Pha té ngã của Ronaldo dẫn đến phạt đền, dù bị đối phương không ngớt lên án như một màn đóng kịch, cũng không gây chú ý cho dư luận-trận ấy tiền vệ người Bồ Đào Nha chơi quá hay. Chỉ đến khi nhân vật chính của trận đấu - trọng tài Rob Styles - lên tiếng một ngày sau, rằng mình đã bị Ronaldo đánh lừa và phạm sai lầm khi nhận định đó là tình huống dẫn đến phạt đền. Rob Styles cũng đồng thời công khai xin lỗi đội Bolton.

Người ta nói rằng, trọng tài cũng chỉ là con người với những ưu điểm và khuyết điểm thường gặp của con người. Mặt khác, sai lầm của trọng tài từ lâu vẫn được nhìn nhận như một phần của bóng đá. Không ít trọng tài có sai sót tương tự vẫn thường vin vào điều này để chọn cách làm ngơ trước sự lên tiếng của dư luận.
 
Điều gì khiến ông Rob Styles không chịu yên lặng nhìn sai sót của mình trôi vào quên lãng nếu đó không phải là sự thức tỉnh của một trái tim thể thao chân chính, tình yêu cái đẹp và sự tự trọng nghề nghiệp của một người được giao phó trách nhiệm cầm cân nẩy mực thực hiện tính công bằng trong thi đấu thể thao. Lời thú nhận sai sót và xin lỗi của Rob Styles không cứu cho đội Bolton một bàn thua - bàn thua đầu tiên này biết đâu đấy chính là nguyên nhân sụp đổ tinh thần dẫn đến cái thua cách biệt 2-0 - nhưng có thể nó đã vớt vát danh dự và nỗ lực của một cầu thủ, một tập thể.

Trên tất cả, nó làm thăng hoa cái đẹp sân cỏ bằng sự trung thực và tinh thần thượng võ vốn là cái đích mà thể thao hướng tới. Chưa thấy phản ứng từ phía Ronaldo, người đã tinh ranh qua mắt trọng tài (đây là lần đóng kịch thứ bao nhiêu của con người tài hoa này?) nhưng rất có thể trong những ngày tới, tiền vệ người Bồ Đào Nha sẽ suy nghĩ sâu xa hơn trong cách chơi bóng của mình. Chắc chắn anh càng thấm thía rằng tài năng và cái đẹp chỉ được công chúng tôn vinh và cổ vũ khi nó không đồng hành với sự ma mãnh, dối trá.

Thể thao thế giới vừa lưu luyến chia tay một tên tuổi lớn trong làng điền kinh - Jefferson Perez - khi anh quyết định giã từ đường đua ở tuổi 34. Sự ngưỡng mộ và tiếc nuối mà công chúng dành cho vận động viên người Ecuador này xuất phát không chỉ từ tài năng, sự bền chí trong luyện tập của anh mà còn từ tính trung thực, hết lòng vì công chúng của một nhà thể thao luôn ý thức về các giá trị nhân văn mà thể thao mang lại cho con người.

Cả cuộc đời và sự nghiệp của Perez - vốn xuất thân từ một cậu bé bán báo dạo trước khi trở thành vận động viên đi bộ nổi tiếng - dường như luôn giới thiệu với công chúng một thông điệp: Không thành công nào không bắt nguồn từ sự say mê, chí thú rèn luyện trong gian khó và vinh quang không bao giờ đến từ sự gian dối, ích kỷ.

Từ cuộc đời của Jefferson Perez đến lời xin lỗi của trọng tài Rob Styles, thao trường luôn mang đến cho con người nhiều góc nhìn tươi sáng…

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.