.

SHB Đà Nẵng đã sẵn sàng tiến trình chuyên nghiệp hóa

.

Tại hội nghị tổng kết các giải bóng đá quốc gia 2008, VFF và Ban tổ chức V-League cũng đã có những đánh giá, phân tích lại các CLB bóng đá hạng chuyên nghiệp, hạng nhất; trên cơ sở đó, giới thiệu các tiêu chí của các CLB bóng đá chuyên nghiệp và định hướng, vạch ra lộ trình để phấn đấu từ năm 2016-2020 sẽ có 10-14 CLB đạt tiêu chuẩn như các CLB chuyên nghiệp nước ngoài.

Với những điều kiện đang có, tiến trình chuyên nghiệp hóa không có quá nhiều trở ngại với SHB Đà Nẵng.
Theo đánh giá, hiện nay, 28 CLB hạng chuyên nghiệp và hạng nhất đang hoạt động dưới 5 hình thức khác nhau và chỉ có 8 CLB đã là doanh nghiệp (DN) hoạt động độc lập gồm Đồng Tâm Long An, Thép - Cảng, Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội, Công ty cổ phần bóng đá Tây Ninh, Công ty cổ phần bóng đá Đồng Nai, Hải An SGU và Becamex Bình Dương. Ngoài các CLB đã là DN nhưng chưa hoạt động độc lập thực sự dưới hình thức công ty mẹ - công ty con, hay là đơn vị sự nghiệp có thu đang có hướng hoặc chưa có hướng chuyển sang DN, còn 4 CLB khác là Thể Công, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7 đang hoạt động với một cơ chế đặc biệt do quân đội quản lý.

Về cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, chỉ có 7 CLB được quyền quản lý tạm thời và sử dụng sân thi đấu, 6 CLB phải thuê sân thi đấu và số còn lại chỉ được sử dụng sân khi vào giải, do sân được các Sở VH-TT và DL hoặc quân đội quản lý. Trong lúc đó, chỉ 3 CLB là Thép - Cảng, Thể Công, Xi măng Hải Phòng có sân tập đủ tiêu chuẩn cho đội 1. Đối với công tác đào tạo trẻ, hầu hết các CLB chỉ quản lý và huấn luyện cầu thủ các tuyến U-19, U-21; các tuyến trẻ còn lại vẫn thuộc sự quản lý và nuôi dưỡng của Sở VH-TT và DL và chỉ có Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Nam Định và Đà Nẵng là có các trung tâm đào tạo trẻ được đánh giá cao. Mặt khác, có đến 12 CLB chưa độc lập trong công tác tổ chức thi đấu khi vẫn còn dựa vào nhân sự và việc tổ chức điều hành của các Sở VH-TT và DL.

Trong lộ trình xây dựng CLB chuyên nghiệp tại Việt Nam, sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2006-2015), mỗi CLB phải là DN có quyền tự chủ kinh doanh bóng đá và dịch vụ khác; được xây dựng thương hiệu độc quyền, có quyền sử dụng tài sản dành cho hoạt động tổ chức thi đấu; có bộ máy quản lý và điều hành chuyên nghiệp hoạt động theo quy định của luật pháp Việt Nam, quy định của các tổ chức bóng đá quốc tế, LĐBĐ quốc gia.
 
Từ đó, các CLB sẽ chủ động và  tiến tới độc lập hoàn toàn về nguồn tài chính. Các CLB cũng phải có cơ sở vật chất và sân bãi tối thiểu phục vụ cho bóng đá, các điều kiện khác có thể thuê, mướn…, xây dựng trung tâm huấn luyện và nâng cao chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ. Đồng thời, HLV trưởng phải có bằng A của AFC hoặc bằng quốc tế tương đương và CLB sẽ quản lý cán bộ, HLV, cầu thủ thông qua hợp đồng lao động bóng đá chuyên nghiệp. Vào giai đoạn 2 (2016-2020), bóng đá Việt Nam phấn đấu có từ 10-14 CLB đạt tiêu chuẩn như các CLB chuyên nghiệp nước ngoài.

Xét trên những yêu cầu tổng thể của các tiêu chuẩn tham gia V-League ở giai đoạn 1 của tiến trình, CLB SHB Đà Nẵng không gặp nhiều trở ngại khi đến giai đoạn hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã có sự hỗ trợ rất đáng kể về nhiều mặt. Về những vấn đề nội bộ, CLB SHB Đà Nẵng cũng đang xúc tiến các bước thủ tục để hình thành một DN có tư cách pháp nhân và trong một tương lai gần, ông Đỗ Quang Hiển sẽ thôi chức Chủ tịch CLB; thay vào đó, vai trò này sẽ được bàn giao cho một nhân vật trong ban lãnh đạo CLB hiện nay.

Trong công tác đào tạo trẻ, với các tuyến từ U-11 đến U-21 và đều gặt hái được những thành tích khả quan trong mùa vừa qua, rõ ràng, SHB Đà Nẵng không gặp quá nhiều trở ngại như hơn 20 CLB còn lại. Cái khó của Đà Nẵng cũng giống như nhiều CLB khác là những khoản tiền nộp Ban tổ chức do thẻ phạt vẫn chưa được hạch toán vào chi phí của DN. Hay đó là những quy định về tài chính còn bất cập với những DN hoạt động trong lĩnh vực đặc thù là bóng đá như quy định về tiền trang phục hằng năm hay quy định về mức ăn chưa phù hợp với thực tế; đặc biệt, với VĐV bóng đá. Tuy nhiên, theo Giám đốc Điều hành Bùi Xuân Hòa, chính nhận thức của các thành viên trong CLB về nghĩa vụ đóng thuế lại chính là mối quan tâm lớn nhất hiện nay của lãnh đạo CLB:

- Với những vướng mắc chung, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị VFF thỉnh thị ý kiến của Bộ VH-TT và DL nhằm có sự bàn thảo cùng các cơ quan hữu quan để xin ý kiến của Chính phủ và giải quyết những bất cập đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực bóng đá.

Tuy nhiên, về những định chế của luật pháp như các nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân hay các chính sách khác, chúng tôi phải chấp hành nghiêm túc. Đối với SHB Đà Nẵng, chúng tôi sẽ tuyên truyền, giáo dục tốt hơn để từng thành viên trong CLB nhận thức tốt và đúng hơn về nghĩa vụ đối với việc đóng thuế thu nhập. Đồng thời, CLB đang xây dựng các quy chế phù hợp để bảo đảm toàn bộ các thành viên trong CLB thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.