.
TÌNH TRẠNG TRÀN ẬP NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI Ở PREMIER LEAGUE:

Giải cứu bóng đá Anh

.

(ĐNĐT) - Bóng đá Anh tỏ ra vượt trội trên đấu trường châu Âu cấp CLB nhưng lại “nhạt nhẽo” ở cấp đội tuyển. Nguyên nhân là tràn ngập cầu thủ ngoại và nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch FIFA đã tỏ ra e ngại tình trạng này không chỉ phá hoại nền bóng đá Anh quốc mà còn diễn ra hiện tượng domino sang các nước khác.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tỏ ra khá thất vọng với hoàn cảnh hiện tại của bóng đá Anh. Không chỉ bị các cầu thủ ngoại lấn át mà còn bị các ông chủ nước ngoài dần “thôn tính”. Hiện nay chỉ còn có 8/20 CLB thuộc quyền sở hữu của các chủ tịch là người Anh.

Asernal và Chelsea là những đội tràn cập cầu thủ ngoại và HLV ngoại.

Khi một quan chức bóng đá Anh cho rằng với việc đầu tư mạnh từ nước ngoài đã tạo nên sắc diện mới cho giải đấu này, thì ông Baltter cho rằng tình hình không sáng sủa như thế mà bây giờ nó đã vượt qua tầm kiểm soát. Không chỉ có người Mỹ đến đây mà có cả người Nga, Ả Rập và từng có một người từ Thái Lan. Bây giờ chuyện mua bán một CLB bóng đá nhẹ nhàng, đơn giản như mua một cái áo thi đấu không hơn không kém. Hiện nay, các Chủ tịch ở Newcaslte, Tottenham, Portsmouth rục rịch tính chuyện bán CLB.

Việc thay đổi xoành xoạch chủ tịch CLB, theo ông Blatter, là rất nguy hiểm. Nhiều người tới Anh mua CLB nhưng họ cũng nhanh chóng rời bỏ, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin bán CLB Manchester City chỉ sau một năm. Ông Chủ tịch người Nga ở CLB Portsmouth cũng định bán CLB mà ông chỉ mới mua hơn một năm trước vì lo ngại khủng hoảng tài chính toàn cầu. Như thế, tính ổn định của một CLB là không có nên sẽ rất lý tưởng khi ông chủ CLB là những nhà đầu tư trong nước.

Mặc dù than vãn là thế nhưng ông Blatter cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Premier League là hợp logic bởi vì giải đấu này là giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới. Mọi người được xem bóng đá Anh trên sóng truyền hình ở khắp thế giới. Một quan chức cấp cao Anh đã từng đề nghị LĐBĐ Anh (FA) siết chặt hơn nữa quy định về người mua CLB, trong khi Blatter giữ vững quan điểm của FIFA là không có sự can thiệp của chính quyền các nước vào bóng đá. Nhưng ông cũng nói là ông khó có cách nào “giải thoát” khỏi tình trạng hiện này.

Ông Blatter muốn đưa ra những nguyên tắc nghiêm ngặt cho các nhà đầu tư nước ngoài ở những CLB bóng đá trên toàn châu Âu nhằm giúp cho bóng đá thoát khỏi sự suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu. Các nhà quản lý cần phải có cơ chế kiểm soát tài chính trong bóng đá tốt hơn, đặc biệt là trong hoàn cảnh tài chính khó khăn hiện nay.

FIFA, UEFA và EU sẽ cùng nhau đưa ra những nguyên tắc nghiêm ngặt hơn. Sự tăng đột biến các nhà đầu tư nước ngoài vào bóng đá Anh là một trong những chủ đề mà FIFA sẽ bàn thảo với các nhà làm luật EU ở Brussels. EU cần phải hành động bởi vì có nhiều ông chủ thích đua ngựa, thích mua đội đua xe công thức 1 nhưng giờ đây lại hứng thú với chuyện mua một CLB bóng đá bởi vì nó đơn giản như một chiếc áo đấu.

UEFA đang điều tra về động lực nào đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến Anh. Ông Blatter nêu ví dụ về luật pháp ở Thụy Sỹ rất rõ ràng: nếu bạn muốn mua bất động sản hay thực hiện kế hoạch đầu tư nào đó thì bạn phải trình bày rõ ràng về kế hoạch của mình. Như vậy, những nhà đầu tư nước ngoài đến với bóng đá Anh là vì đam mê hay vì kiếm thêm tiền. Rõ ràng như thế thì sẽ không có chuyện các ông chủ ở Liverpool hoãn việc xây dựng sân vận động mới vì tình hình kinh tế khó khăn chung. M.U chưa tìm hướng ra khi nhà tài trợ trên ngực áo AIG gặp khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Nghĩa là bóng đá vẫn hoạt động bình thường cho dù nền tài chính thế giới có bị khủng hoảng!?

Tình trạng không chỉ có ở Anh mà đang có dấu hiệu lan dần sang các nước khác.

HẠC NGUYỄN

;
.
.
.
.
.