(ĐNĐT) - Dù đang tận hưởng những ngày tháng vinh quang và giàu có ở phương Tây, nhưng tiền đạo của M.U không bao giờ quên hình ảnh cơ hàn của mình thở nhỏ ở Bulgaria. Và học viện mang tên anh là tấm lòng anh gửi đến những trẻ em ở quê nhà.
Tập bóng đá thuở cơ hàn
Dimitar Berbatov ở Blagoevgrad, nơi cuộc sống rất cơ cực. Thuở nhỏ anh từng chứng kiến cảnh mọi người xếp hàng đến 8 tiếng đồng hồ mới mua được bánh mì. Dù cực khổ là thế, nhưng anh được ba mẹ ủng hộ anh hết mình cho ước mơ theo nghiệp bóng đá. Những buổi tập tành đầu tiên cho nghiệp quần đùi áo số của anh không hề dễ dàng chút nào. Berbatov nhớ lại ước ao có một quả bóng để tập luyện nhưng không “đào” đâu cho ra nên đành bằng lòng với quả bóng rổ để đá bóng.
Dù sống trong vinh quang nhưng Berbatov luôn nghĩ về trẻ em nghèo khó ở quê nhà. |
Rồi tài năng của anh nhanh chóng lọt vào mắt các nhà tuyển trạch ở CSKA Sofia. Anh khẳng định tài năng của mình ở Bulgaria trước khi được Bayer Leverkusen đem về Bundesliga. Anh nhớ lại, khi Ngài Alex Ferguson nói chuyện với anh về chuyển nhượng từ Tottenham sang M.U, ông thầy người Scotland này đã gõ nhẹ lên đầu anh khi anh hỏi ông có nhớ trận bán kết Champions League năm 2002 mà Leverkusen đã đánh bại M.U. Lúc đó, Berbatov là cầu thủ chơi hay nhất trận đấu.
Dù đang tận hưởng những ngày tháng vinh quang của sự nghiệp cũng như cuộc sống giàu sang, nhưng Berbatov không bao giờ quên gốc rễ của mình. Anh tâm sự, anh luôn hiểu mình có được như ngày hôm nay là nhờ đâu và luôn mang trong mình quyết tâm giúp đỡ các em tạo lập cho mình một nền tảng vững chắc cho tương lai, không gập ghềnh như mình.
Học viện mang tên Berbatov
Berbatov mở học viện với mục đích giúp đỡ những trẻ em có tài năng để sau này trở thành một cầu thủ bóng đá hay là một... diễn viên. Học viên này cũng giúp những trẻ em không có ba mẹ ở trong các nhà tế bần. Berbatov cho biết anh dành nhiều thời gian vào học viện để giúp các cậu bé phát triển kỹ năng chơi bóng để hy vọng có một tương lai tươi sáng và giúp những trẻ em mồ côi có được cuộc sống tốt hơn.
“Thuở nhỏ, Marco Van Basten và Alan Shearer là thần tượng của tôi và lúc nào tôi cũng mong mình đạt được trình độ như họ”, Berbatov nói - Các em cũng có thần tượng cho riêng mình và để đạt được trình độ đó các em phải tập luyện rất nhiều. Bây giờ các em có trò chơi điện tử, có máy vi tính trong phòng ở nhưng tôi luôn đề ra mục tiêu là các em phải ra sân và đá bóng chứ không chỉ ngồi trong nhà dán mắt lên màn hình".
Hiểu được nỗi khát khao có được trái bóng để chơi cho thỏa thích, Berbatov không bao giờ để học viện có tình trạng thiếu bóng và nguyên tắc là mỗi em mỗi quả bóng.
Anh hy vọng rằng với học viện của mình, nhiều trẻ em Bulgaria sẽ có được tương lai xán lạn như chính anh. Berbatov cho rằng không bao giờ anh quên con đường nhọc nhằn từ đường phố Blagoevgrad đến vinh quang ở “Nhà hát của những giấc mơ” Old Trafford như hiện nay.
HOÀNG HƯNG