.

Duyên - phận, bẽ bàng

.

Ở Đà Nẵng, trong 5 mùa bóng gần đây, bộ đôi Thanh Phúc - Quang Cường thực sự tạo được dấu ấn đáng kể vào thành công chung của toàn đội. Chỉ cần nhìn vào hiệu suất thi đấu của Phúc “Gà” và Cường “Trâu” là có thể “đọc” được thành tích của Đà Nẵng. Bởi, sau khi Quốc Anh tạm thời chia tay sân cỏ, Đà Nẵng gần như chỉ “sống” dựa vào cánh phải với hai cầu thủ này.

Thanh Phúc (trái) đã không có được một hạnh phúc trọn vẹn…
Nhiều lần, Thanh Phúc từng khen đàn anh theo kiểu, chỉ nhác thấy cái dáng chạy lúp xúp của Quang Cường là Phúc biết phải chọn vị trí nào để nhận bóng. Không cao nhưng bù lại, vóc dáng đậm và khỏe như…trâu (để có biệt danh Cường “Trâu”) khi chỉ cao 1,65 mét và nặng 58 kg, Cường có thói quen khi có bóng, chẳng cần nhìn ai và cứ thế, lao lên trước.

Ngay cả những cú tạt bóng “chẳng cần nhìn ai” của Cường lại có điểm rơi khá tốt. Không chỉ biết “lao lên”, Quang Cường còn thường xuyên bao quát hành lang của mình bởi vốn dĩ, anh là một hậu vệ. Chưa kể, “ông anh” còn phải bọc lót cho “thằng em” vốn hạn chế thể lực. Nhờ đó, Thanh Phúc được hưởng “đặc quyền” khi…lơi lỏng trong hỗ trợ phòng ngự. Và cũng như Quang Cường, Thanh Phúc thường xuyên có những đường chuyền “chết người”, đủ để những Amaobi, Achilefu hay Almeida, Molina lập công.Có “duyên” với nhau như thế, cả Cường và Phúc cũng có sự tương đồng trong cả “phận” bóng đá của mình.

Trong những năm gần đây, Thanh Phúc nổi lên như cầu thủ chơi tốt nhất ở vi trí tiền vệ cánh. Không ít lần, chàng trai này từng đến rất gần với cánh cửa đội tuyển U-23 nhưng lần lượt, SEA Games 23 rồi SEA Games 24, Phúc vẫn lỡ hẹn với mầu áo tuyển thủ trong sự tiếc nuối của nhiều người. Đến độ, có lúc, giấc mơ lên tuyển đã không tồn tại trong anh.
 
Thậm chí, trong 2 lần tập trung đội tuyển ở mùa này, rất nhiều cái tên lạ lẫm như Ngọc Anh (Nam Định), Thái Dương, Thanh Sang (Bình Định), Minh Châu (Hải Phòng)...được gọi trong lúc, Thanh Phúc vẫn không hề được nhắc đến, dù rằng, với rất nhiều người, anh hoàn toàn xứng đáng để gọi. Với Quang Cường, cuộc đời bóng đá của anh cũng không kém phần trầy trật. Sau 3 năm được tập trung năng khiếu, năm 1999, Cường được HLV Trần Vũ đưa lên thi đấu cho Đà Nẵng nhưng chàng tiền đạo mới 16 tuổi này phải thường xuyên ngồi ghế dự bị.

Sau đó, Cường lại không thể cạnh tranh nổi với các tiền đạo nước ngoài và anh tuột dần xuống hàng tiền vệ trước khi “đóng chốt” ở vị trí hậu vệ phải! Cũng lạ khi càng thay đổi vị trí, tài năng của anh lại càng tỏa sáng. Không có lợi thế thể hình nhưng Cường chịu khó đeo bám các chân sút cao to, dám chơi rắn và đặc biệt, anh rất chịu tham gia tấn công với sức bền tốc độ cực tốt.

Do được đào tạo là tiền đạo nên dù chuyển xuống vai trò phòng ngự, Quang Cường vẫn còn đó kỹ năng đột phá, chuyền bóng sắc như dao, nhất là các quả lật hình vòng cung từ cánh phải. Cũng như Thanh Phúc, Quang Cường gần như vô duyên với mầu áo tuyển khi năm 2004, anh từng có tên trong danh sách đội U-22 Việt Nam. Tiếc rằng, một chấn thương vào giờ chót đã cướp đi cơ hội hiếm hoi để từ đó đến nay, Cường âm thầm trong màu áo Đà Nẵng, sống hiền lành, an phận, coi như ước mơ lên tuyển đã chấm dứt.

Với Quang Cường (trái), hy vọng sẽ không phải vướng nỗi bẽ bàng.

Với Thanh Phúc, lúc chẳng còn hy vọng thì bất ngờ, việc trợ lý Mai Đức Chung có mặt trên sân Chi Lăng (chiều 20-7) lại mang đến cơ hội cho cầu thủ này. Với 3 đường chuyền thành bàn trong chiến thắng 6-0 của SHB Đà Nẵng trước Thanh Hóa, Phan Thanh Phúc đã được ghi lại trong “bộ nhớ” của ông Chung. Ngày nhận được quyết định chính thức, Phúc như cứ sống trong mơ. Cũng phải thôi khi đó lại là đợt triệu tập để thi đấu cùng đội tuyển Brazil, 5 lần vô địch thế giới.

Phúc mừng lắm và hứa hẹn sẽ không đề vuột cơ hội nếu được tạo điều kiện và đối xử công bằng. Kết quả, từ ngày đi đến ngày về, anh chẳng được ra sân và bị xóa tên trong lần tập trung mới nhất. Hẳn tất cả cảm thấy chưa thể hài lòng khi Thanh Phúc chưa hề được trao một cơ hội đúng nghĩa để chứng tỏ thực tài. Đến Quang Cường, vẫn một điệp khúc “bất ngờ” nhưng không thật nhiều cảm xúc khi cái hạnh phúc ấy quá đỗi mong manh. “Em sẽ phấn đấu hết mình. Còn được ra sân hay không là chuyện của ban huấn luyện”. Cái may mắn của Quang Cường chính là sự khủng hoảng hàng thủ đã tạo cơ hội không thể tốt hơn cho chàng trai 25 tuổi này trong lần đầu lên tuyển.

Càng may mắn hơn khi lần ra mắt của Lê Quang Cường trong trận hòa 0-0 trước Singapore được đánh giá khá tốt. Song, lần đầu lên tuyển, không dễ dàng và cũng chưa chắc “tồn tại” được. Tuy nhiên, phải chia tay tuyển thì người trong cuộc hẳn rất bẽ bàng. Thanh Phúc đã không nhỏ những giọt nước mắt tức tưởi như Quang Hải khi tiền đạo này bị ông Riedl loại khỏi danh sách tham dự SEA Games 24. Song, chắc chắn, trong anh vẫn một nỗi buồn dai dẳng.

Nói đến đây thật tiếc cho Phúc khi khát vọng của anh đã không được thỏa, trong lúc, không ít người thẳng thừng chối từ vinh dự không dễ có trong cuộc đời bóng đá của mình. Chỉ mong hạnh phúc của Quang Cường sẽ không đượm nỗi bẽ bàng khi anh cũng xứng đáng được hưởng trọn vẹn niềm vui, dẫu có muộn màng…

NGUYÊN AN

 

 

;
.
.
.
.
.