.

Không chơi với cái xấu!

.

Phản ứng nông nổi của tiền đạo Drogba thuộc câu lạc bộ Chelsea ném trả đồng xu về phía khán giả trong trận gặp câu lạc bộ Burnley cuối cùng đã bị trừng phạt nặng. Trong một thông báo mới nhất vừa công bố, Liên đoàn bóng đá Anh đã quyết định treo giò cầu thủ này 3 trận và hình thức kỷ luật này sẽ được áp dụng ngay tức thời.
 

Droba (trái) cùng đồng đội ở CLB ở CLS chelsea (ảnh tư liệu(
Drogba sẽ phải ngồi ngoài sân trong các trận Chelsea gặp các đối thủ Newcastle, Arsenal và Bolton - một thiệt thòi lớn không riêng với anh trong tư cách cầu thủ mà còn đối với câu lạc bộ đang dẫn đầu giải ngoại hạng Anh, vốn nung nấu khát vọng giữ vững vị trí này cho đến khi kết thúc mùa bóng. Nhưng không chỉ nhận hình thức kỷ luật của cơ quan điều hành bóng đá nước Anh, cầu thủ có biệt danh “voi rừng châu Phi” này còn bị chính câu lạc bộ mà mình đang đầu quân phạt tiền qua hành vi thô bạo với khán giả.

Một mức phạt quá nặng đối với phản ứng xốc nổi, thiếu kiềm chế của một cầu thủ cảm thấy mình bị khiêu khích và xúc phạm? Không ít người có cảm giác như thế, nhất là sau khi họ chứng kiến sự hối hận của chính Drogba - anh đã ngay lập tức bày tỏ sự hối tiếc vì hành vi nóng nảy của mình và công khai xin lỗi khán giả.
 
Nhưng luật là luật và Liên đoàn bóng đá Anh có cái lý của mình để ra quyết định trừng phạt. Theo họ, hành vi của Drogba quá phản cảm, đi ngược lại những gì mà nền bóng đá Anh đang xây đắp là biến sân cỏ thành một trong những nơi mà con người thể hiện cái đẹp trong ứng xử với nhau, mỗi trận đấu phải trở thành một cơ hội tôn vinh cái đẹp, không chỉ trong nghệ thuật nhồi bóng mà còn trong cách thức con người cùng chia sẻ và thưởng ngoạn cái đẹp.

Khi một cầu thủ không làm chủ chính mình mà chiều theo cảm xúc nhất thời để hành xử không văn hóa, họ phải chịu trách nhiệm trước hết với chính bản thân họ trong tư cách một nhân vật của công chúng. Trước Drogba, đã có không ít cầu thủ nhận hình thức trừng phạt tương tự do tự bôi xấu hình ảnh mình - cũng là hình ảnh của bóng đá - trước đám đông mà chuyện của danh thủ Fowler là một điển hình. Chỉ vì bốc đồng ăn mừng bàn thắng theo kiểu cúi xuống sân cỏ hít xì-ke, cựu tiền đạo Liverpool phải nhận án treo giò một thời gian dài…

Nghiêm khắc, kỷ luật là một trong những giải pháp giúp sân cỏ hướng tới sự hoàn thiện trong hành trình phục vụ con người, xây đắp các tấm gương sống đẹp, giàu cảm hứng. Tuy vậy, không ít khi sân chơi này cũng tỏ ra bất lực trước sự tinh quái của các tay chơi ma mãnh. Vào lúc người hùng bóng đá Argentina dẫn đội tuyển nước mình đến thi đấu tại Scotland trong một trận cầu hữu nghị, ký ức về “bàn tay của Chúa” lại một lần nữa sống dậy khiến Maradona đau đầu.
 
Lần này, chính một đối thủ trực tiếp của Maradona trong trận Anh - Argentina ở vòng chung kết World Cup Mexico cách đây những 22 năm - hậu vệ tuyển Anh Terry Butcher - lên án gay gắt cách ghi bàn bằng tay của anh trong trận đấu này. Butcher nói rằng hành vi của Maradona là không thể tha thứ và anh sẽ không bao giờ bắt tay con người hiện đang dẫn dắt đội tuyển Argentina.

Kể cũng lạ, gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, nhưng vẫn có người không thể bỏ qua cho một cái xấu diễn ra trên sân cỏ. Làm sao mà tha thứ được khi cái xấu ấy hiện vẫn còn làm tổn thương Butcher và cả nước Anh!

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.