.

Lo quá, Đại hội TDTT 2010!

.

Chỉ còn chưa đến 24 tháng nữa, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, trong thời gian qua - sau khi chính thức được giao quyền đăng cai - nỗi lo của chủ nhà đã xuất hiện khi đến lúc này, cơ sở vật chất phục vụ thi đấu vẫn chỉ là sân vận động Chi Lăng, Bể bơi thành tích cao và… hết!

Thiếu cơ sở tổ chức thi đấu, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Dĩ nhiên, theo kế hoạch, vẫn còn một số cơ sở như Nhà thi đấu Quân khu 5, Nhà thi đấu Đại học Bách khoa, Nhà Biểu diễn đa năng, Khách sạn Công đoàn, Khách sạn Đà Nẵng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… được sử dụng phục vụ một số môn thi đấu. Thế nhưng, những bất cập đã bộc lộ khi ngành TDTT hoàn toàn bị động trước những yêu cầu chung.

Không phải ngẫu nhiên khi nhìn vào kế hoạch thi đấu của Đại hội, Đà Nẵng chỉ có thể tổ chức 25/41 môn thể thao. Và chỉ riêng trong chừng ấy môn, ngay những môn võ như Wushu (15 đến 20-4), Võ cổ truyền (6 đến 12-8), Karatedo (10 đến 17-8), Silat (10 đến 15-8), Bi sắt, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền… cũng chưa thể xác định địa điểm thi đấu.

Bên cạnh đó, đến nay, hàng loạt môn thi đấu khác như Thể dục dụng cụ, Aerobic, Khiêu vũ thể thao, Bắn súng, Bắn đĩa bay, Bắn cung quốc tế, Bắn cung 3 dây, Bắn nỏ… vẫn chưa biết được tổ chức thi đấu tại địa phương nào (?). Cho dù trước đây, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT và DL Lê Nguyên Hồng từng khẳng định, dựa trên những mối quan hệ mật thiết cùng Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia 3, Trung tâm Thể thao Quốc phòng 3 và Đại học Đà Nẵng, địa điểm tổ chức các môn thi đấu của Đại hội 6 không nằm ngoài khả năng của ngành TDTT thành phố Đà Nẵng.

Chẳng hạn, căn cứ vào kế hoạch đầu tư của Bộ VH-TT và DL và Tổng cục TDTT cho Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia 3 xây dựng Nhà thi đấu Bóng bàn, Cầu lông, ngành TDTT thành phố dự kiến tổ chức các môn thi đấu này tại đây. Ngoài ra, ngành còn dự kiến tổ chức Bóng rổ, Đá cầu tại Nhà thi đấu Trường Đại học Bách khoa; các môn Vật, Cử tạ… diễn ra tại Nhà thi đấu của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Sự phụ thuộc rất lớn vào cơ sở tổ chức thi đấu của các đơn vị bạn trên địa bàn, không thể nói, ngành TDTT có thể chủ động kế hoạch tổ chức như lãnh đạo Sở VH-TT và DL từng khẳng định.

Việc bể bơi không có mái che cũng là một mối quan ngại đối với các VĐV.

Với Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia 3, dù được Bộ và Tổng cục TDTT quan tâm đầu tư song tất cả cũng chỉ mới là dự kiến. Nếu kế hoạch này không được triển khai theo đúng tiến độ, liệu rằng, các môn Cầu lông, Bóng bàn sẽ được tổ chức tại đâu? Với Nhà thi đấu Trường Đại học Bách khoa, có thể xem đây là một địa điểm tổ chức thi đấu rất tốt cho các hoạt động thể thao phong trào chứ chưa hẳn đáp ứng tốt các yêu cầu tổ chức các giải đấu đỉnh cao.
 
Ngay như vòng 2 giải Vô địch Futsal toàn quốc 2008 vừa diễn ra tại đây cũng bộc lộ những hạn chế về hệ thống chiếu sáng lẫn công tác tổ chức thi đấu. Hay như kế hoạch cải tạo Nhà Biểu diễn đa năng không hẳn là giải pháp khả thi, bởi qua giải Taekwondo thành phố mở rộng 2008 tổ chức tại đây được đánh giá là không đáp ứng tốt về mặt chuyên môn. Trong lúc đó, Nhà thi đấu Quân khu 5 đang xuống cấp trầm trọng và hiện nay vẫn chưa được sửa chữa. Thời gian qua, hàng loạt các hoạt động thể thao mang tính phong trào như các đội Futsal phong trào, các CLB Cầu lông sinh hoạt thường xuyên tại đây đã phải tạm dừng vô thời hạn! Chưa kể đến, việc tổ chức các môn thi đấu cách xa khu vực trung tâm sẽ khó thu hút được sự quan tâm của người hâm mộ.

Trước đây, khi Đà Nẵng đăng cai Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 1992, công tác chuẩn bị đã được khởi động từ rất sớm. Và đó chính là tiền đề cho sự thành công khá rực rỡ dù thời điểm ấy, kinh nghiệm tổ chức của Đà Nẵng với một sự kiện thể thao lớn vẫn còn nhiều hạn chế. Lần này, dù từng tổ chức thành công rất nhiều giải đấu - cả trong nước lẫn quốc tế - nhưng với một Đại hội đa môn và thu hút sự tham gia của một lượng VĐV, HLV rất lớn song cơ sở phục vụ thi đấu vẫn… rất mơ hồ; quả đáng lo khi quỹ thời gian đang ngắn dần!

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.