.

Phải biết vượt “ao làng”

.

Những thành công mới nhất của các VĐV điền kinh hay những “kình ngư” tại đấu trường quốc gia đang tạo nên một gương mặt mới cho thể thao Đà Nẵng. Cách đây không lâu, một lãnh đạo ngành TDTT thành phố từng xác định: “Cần phải tập trung đầu tư cho những môn thể thao trong hệ thống Olympic như điền kinh, bơi lội… thay cho lối đầu tư dàn trải.

Những “cô gái Vàng” (trái sang: Ngọc Ly, Thanh Phúc, Nhật Thanh, Hành Hương) đã mang vinh quang về cho điền kinh Đà Nẵng.

Mặt khác, đầu tư cho VĐV phải có chiều sâu và có định hướng chiến lược chứ không chỉ theo lối ăn xổi. Từ đó, công tác đào tạo VĐV mới có thể bảo đảm được tính kế thừa, dựa trên cơ sở đầu tư những môn thể thao thành tích cao phù hợp với điều kiện và tố chất của con người Đà Nẵng…”.

Có lẽ, từ nhìn nhận đó mà hôm nay, điền kinh Đà Nẵng đang thống trị một số nội dung như ném búa nữ của Nguyễn Thị Ngọc Ly, đi bộ nữ của Nguyễn Thị Thanh Phúc, nhảy xa và nhảy ba bước nữ của Bùi Nhật Thanh và khả năng tranh chấp Vàng ở cự ly trung bình của các VĐV chủ lực Lê Thị Bích Hằng, Lê Đình Nghĩa. Hay như bơi lội có Hoàng Quý Phước từng giành Cúp VĐV xuất sắc 2008; Phạm Trường Giang, Châu Bá Anh Tư, Nguyễn Thị Kim Oanh, Dương Thị Khánh Linh cùng các VĐV lặn còn rất trẻ như Phan Thị Kim Dung, Nguyễn Văn Thành… từng tạo dấu ấn tại các giải vô địch.

Với 4 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ của điền kinh và 5 HCV, 3 HCB, 8 HCĐ cùng 3 kỷ lục quốc gia của bơi lội tại giải Vô địch quốc gia, Thể thao Đà Nẵng đã chính thức được thừa nhận như “một thế lực mới”. Bên cạnh đó, judo Đà Nẵng đang có sự khởi đầu khả quan khi Nguyễn Đức Tài (hạng 60 kg nam) từng đạt thành tích HCĐ giải Vô địch quốc gia, hay Dương Thị Thanh Minh (hạng 45 kg nữ) từng giành HCV quốc tế.

Và cùng với 2 judo-ka này, Nguyễn Đình Lộc (hạng 66 kg nam) cùng Lê Thị Mỹ Anh (hạng 78 kg nữ) đều được tập trung vào đội tuyển trẻ Việt Nam. Cử tạ cũng có những bước tiến đáng kể với những Trần Lê Quốc Toàn, Lê Quang Trung, Lê Hồ Đăng Sơn, Đinh Khắc Chiến, Hoàng Thị Khánh Hòa… đã và đang từng bước khẳng định mình.

Thế nhưng, như thế đã đủ chưa đối với một trung tâm thể thao như Đà Nẵng? Đã có những hoài niệm khi nhìn về võ thuật Đà Nẵng. Sự hoài vọng ấy không quá khó hiểu bởi một thời, karatedo từng vang danh Vũ Kim Anh, Trần Thị Kim Anh, Nguyễn Văn Quyền, Bùi Mỹ…, hay taekwondo Đà Nẵng cũng đã có những Dương Lê Quốc Linh, Ngô Văn Nam Thịnh, Ngô Văn Nam Vũ, Phạm Công Thời… không ít lần giành Vàng cho thể thao Đà Nẵng. "

Cùng lúc, hàng loạt môn thể thao chính thống khác như bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền… còn bị “bỏ ngõ” khi ngành TDTT vẫn chưa có những động thái tích cực trong định hướng phát triển và nâng tầm để vươn đến thành tích cao. Nên nhớ rằng, một thời, Thể thao Đà Nẵng từng được vinh danh bởi những tay vợt bóng bàn Mai Công Trí, Lê Thị Hoa, hay những tuyển thủ bóng chuyền Đường sắt Đà Nẵng. Nhắc để thấy rằng, cơ sở để tái tạo sức sống cho những môn thể thao vốn là thế mạnh của Đà Nẵng hoàn toàn xác đáng. 

Việc đầu tư phát triển nhiều môn và nhiều nội dung phù hợp với yêu cầu phát triển chung là cần thiết. Tuy nhiên, để trở thành một trung tâm thể thao mạnh đúng nghĩa, Đà Nẵng cần có một định hướng chiến lược trong việc đầu tư chiều sâu cho VĐV và cho những môn thể thao chính thống trong hệ thống Olympic. Đã đến lúc phải biết cách vượt “ao làng” để không chỉ thỏa mãn với những tấm HCV trên đấu trường quốc gia mà còn nuôi dưỡng khát vọng vươn đến khu vực, rồi châu lục. Bởi, niềm vinh dự về tấm HCB Olympic của Hoàng Anh Tuấn hay sự tăng tiến của Hoàng Quý Phước là sự phấn khích để ngành TDTT xác định được hướng phát triển cho mình trong tương lai mà tương lai ấy, hẳn không quá xa vời.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.