Chưa bao giờ, phong trào Cầu lông Đà Nẵng lại rơi xuống “đáy” như lúc này! Số lượng CLB từ 55 (2005) xuống còn 50 (2006-2007) và đến năm 2008, con số này còn 40; tương ứng với số lượng người chơi cũng “giảm dần đều”, từ 8.000 người (2005) còn 6.000 người (2006 và 2007) và “rớt xuống” 5.000 người trong năm nay. Bên cạnh đó, năm 2008, Đà Nẵng đã không còn là sự lựa chọn để các giải Cầu lông toàn quốc được tổ chức.
Cầu lông Đà Nẵng từng thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng. |
Để duy trì hoạt động, không ít CLB phải tự liên hệ địa điểm và di chuyển lên Trung tâm TDTT quốc phòng 3 tập luyện. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tập luyện của các CLB cũng không được bảo đảm khi mùa mưa đến do Nhà Thi đấu Quân khu 5 bị dột nát quá nhiều. Vì thế, dù rất yêu thích bộ môn này, một lượng lớn người chơi đã buộc phải từ bỏ để chuyển sang các hình thức tập luyện khác, phù hợp hơn.
Một lãnh đạo Liên đoàn Cầu lông (LĐCL) thành phố cho biết, sự thụt lùi của phong trào nói chung còn bắt nguồn từ thái độ thiếu quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT. Hay nói cách khác, ngành TDTT đã không định hướng cho sự phát triển của phong trào và hằng năm, không có những đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm đối với các tổ chức xã hội về TDTT; trong đó, có LĐCL thành phố. Từ đó, các hoạt động phối hợp giữa LĐCL và các đơn vị thuộc ngành TDTT (như Trung tâm HL-ĐT VĐV hay Phòng Nghiệp vụ TDTT) hầu như bằng không. Mặt khác, việc mỗi năm chỉ duy nhất giải Cầu lông Truyền thống các CLB được tổ chức, đã không tạo được động lực tích cực cho phong trào, nhất là đối với các cây vợt trẻ, thiếu niên - nhi đồng.
Đáng nói hơn, kể từ thời điểm UBND thành phố ban hành đến nay, “Đề án Xã hội hóa (XHH) hoạt động TDTT trên địa bàn thành phố đến năm 2010” hầu như chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc. Chị Nguyễn Thị Nữ, từng xây dựng được một CLB Cầu lông tư nhân, nhưng sau một thời gian dài không nhận được sự hỗ trợ cần thiết của ngành TDTT, đành phải giải tán do không đủ điều kiện duy trì hoạt động.
Đứng trước bối cảnh đó, Phó Chủ nhiệm CLB Cầu lông 29-3 Huỳnh Út mong muốn được ngành TDTT và LĐCL đầu tư về chuyên môn đối với những VĐV trung - cao tuổi có thành tích tốt ở các giải thành phố để nâng cao trình độ VĐV và đẩy mạnh chất lượng phong trào. Bên cạnh đó, việc được tạo điều kiện tham gia cọ xát, thi đấu nhiều hơn các giải cấp quốc gia cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển cho tương lai của phong trào Cầu lông Đà Nẵng. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, mơ ước đó đang ngày càng xa vời. Để rồi, Cầu lông Đà Nẵng càng nặng thêm nỗi lo, bởi cơ hội vực dậy phong trào đang mỏng manh hơn bao giờ hết!
NGUYÊN AN