.

SHB Đà Nẵng - có chăng “sóng ngầm”?

.

(ĐNĐT) - Chuẩn bị cho mùa giải mới, cho đến thời điểm hiện nay, SHB Đà chỉ tuyển 3 tân binh gồm tiền vệ Nguyễn Khắc Tính (cầu thủ của đội hạng Nhì Nguyễn Hoàng Kiên Giang), Nguyễn Đình Anh Phúc (đến từ Thép - Cảng) và Ngô Quốc Vinh (Quân khu 7).

Thực ra, tất cả sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có những thông tin về phản ứng của các cầu thủ trẻ. Trong đó, việc cả 3 cái tên trên đều nhận được khoản tiền lót tay “khá nặng” cùng mức lương 12-14 triệu đồng/tháng chính là nguyên nhân dẫn đến sự bực tức từ những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của Đà Nẵng.

Có thể lý giải như thế nào về việc tuyển quân và sử dụng người của SHB Đà Nẵng trong tiến trình chuẩn bị?

Với những gì đã làm được, HLV Lê Huỳnh Đức (bìa trái) hoàn toàn có cơ sở để quyết định chính xác những vấn đề chuyên môn của SHB Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Điều hành Trần Minh Toàn thẳng thắn: “Trong đợt tuyển quân này, bản thân tôi cũng được sự phân công của lãnh đạo CLB đi cùng HLV trưởng Lê Huỳnh Đức nên chúng tôi nhận thức được sự cần thiết để chọn lựa vị trí nào, cầu thủ nào phù hợp. Không hẳn việc tuyển chọn phải căn cứ vào tên tuổi. Tiêu chí của chúng tôi là xuất phát từ yêu cầu của lực lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu của cầu thủ được tuyển chọn.

Theo nguyên tắc, một đội bóng đều có 2 cầu thủ đảm đương cùng một vị trí. Nhìn vào thực tế SHB Đà Nẵng hiện nay, sau khi Hữu Hùng bị chấn thương nặng và phải dưỡng thương khá lâu, vị trí hậu vệ biên trái chỉ còn mỗi Quang Thanh. Ngay như tiền vệ Quang Tuấn cũng không ít trận buộc phải đảm trách vị trí hậu vệ biên phải nếu Quang Cường vắng mặt. Và các vị trí tiền vệ biên vẫn chưa có người dự bị, trong lúc Quốc Anh và Thanh Phúc không hẳn đã bảo đảm tốt nhất hiệu suất thi đấu suốt cả mùa giải…”.

Cũng theo đánh giá của lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng lẫn các thành viên Ban huấn luyện, nếu Khắc Tính từng thể hiện khá tốt khả năng chuyên môn của mình thì Anh Phúc cũng là một tiền vệ, dù thời gian qua phải thường xuyên ngồi dự bị ở Thép - Cảng do chấn thương… Và đây chính là những vị trí mà SHB Đà Nẵng cần bổ sung với mục tiêu, xây dựng lực lượng có chiều sâu thực sự. Trong lúc đó, những đánh giá ban đầu với sự chủ quan, võ đoán, thường thiếu sự chính xác, mà trường hợp của Rogerio và Almeida trước kia, cũng như Eduardo gần đây là một dẫn chứng. Thế nhưng, khi đã hòa nhập được với lối chơi của toàn đội, bộ ba Brazil này đã cho thấy, họ là những vị trí gần như không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng không kém vào lối chơi cũng như thành cong của bóng đá Đà Nẵng thời gian qua.

Từng bị xem là “chân gỗ” nhưng đến nay, Almeida (giữa) đã khẳng định được giá trị của mình trên sân cỏ V-League.


Khi nói đến các cầu thủ trẻ, đặc biệt là lứa cầu thủ vừa giành ngôi vô địch U-21 vừa qua, không ai có thể phủ nhận nỗ lực của những Thanh Hưng, Nguyên Sa, Cao Cường, Hoàng Sơn, Văn Quân, Văn Mẹo. Thế nhưng, khả năng thể hiện mình trên sân chơi U-21 hoàn toàn khác với việc khẳng định giá trị của mình tại một giải đấu đỉnh cao như V-League. Chẳng phải, không ít cầu thủ trẻ từng được đưa vào chinh chiến tại V-League 2008 hay sao, thế nhưng, để giành được vị trí chính thức lại là chuyện khác. Hơn ai hết, các cầu thủ trẻ cần hiểu rằng, để được ra sân trong đội hình xuất phát, mỗi người trong họ cần phải nỗ lực nhiều hơn, phải học hỏi nhiều hơn và với họ, tất cả chỉ mới bắt đầu.

HLV Lê Huỳnh Đức bày tỏ: “Nếu muốn có được một mức đãi ngộ tương xứng, các em trẻ cần phải thể hiện được năng lực của mình và có sự cống hiến xứng đáng cho CLB. Không có lý do gì chúng tôi phải để các em thiệt thòi. Nhưng lúc này đây, các em cần phải tích lũy bởi tương lai của các em còn quá dài. Là HLV trưởng, tôi chịu trách nhiệm về quyết định của mình và tôi luôn ưu tiên, tạo điều kiện cho các cầu thủ tốt nhất được thi đấu”.

Như thế, mọi nút thắt gần như đã được gỡ bỏ. Vấn đề còn lại tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực của từng cá nhân, bởi cơ hội cho tất cả đang ngang bằng khi V-Legaue 2009 vẫn còn ở phía trước…

BẢO AN

;
.
.
.
.
.