.

Sức ép

.

Chưa có trận đấu giao hữu mang tính tập huấn nào lại được dư luận trong nước chú ý như cuộc đọ sức giữa Việt Nam và Singapore trên sân Jurong vừa rồi. Kết quả về mặt tỷ số, những đúc kết về chiến thuật, lối chơi, cách sử dụng con người cùng những tín hiệu về triển vọng của hai đội trước thềm cúp bóng đá Đông Nam Á đã được đúc kết.

Các cầu thủ Việt Nam vất vả trước các hậu vệ Singapore ở trận lượt đi trên sân Mỹ Đình.(Ảnh T.L)

Giờ là lúc những người trong cuộc nhìn thấy rõ nhất chỗ mạnh, điểm yếu của mình để kịp thời điều chỉnh trước lúc bước vào cuộc đua tìm danh hiệu giá trị nhất bóng đá khu vực bắt đầu từ ngày 5-12. Tuy vậy, với bản thân đội tuyển Việt Nam, ngoài những thu thập mang tính chuyên môn từ trận đấu này, có lẽ có một giá trị tinh thần mà mỗi thành viên của nó phải biết nghiền ngẫm một cách nghiêm túc nếu không muốn thất bại: đòi hỏi chính đáng của công chúng và sự kỳ vọng của một nền bóng đá khao khát chiến công.

Trắng tay liên tục ở các kỳ tranh tài trước đây trong phạm vi khu vực Đông Nam Á - trong đó có cả thất bại cay đắng ngay trên sân nhà trong trận chung kết Tiger Cup với đối thủ Singapore năm 1998 - càng khiến đòi hỏi và khát vọng này được đẩy lên cao. Trong một làng bóng đã định hình giải đấu chuyên nghiệp như huyết mạch nuôi dưỡng tiềm lực cùng nhân tố tiếp cận với các tiêu chí của bóng đá hiện đại, đòi hỏi của công chúng về một đội tuyển có chất lượng, đáp ứng được niềm tự hào của họ là điều hiển nhiên.

Đừng quên rằng bóng đá Việt Nam bước vào con đường chuyên nghiệp gần mười năm rồi, so với giải vô địch quốc gia của nhiều nước trong khu vực, V-League vẫn được đánh giá có chất lượng và tính thu hút cao nhất. Cũng sẽ lạc lõng và khó thuyết phục nếu như ai đó bây giờ cho rằng, tố chất bóng đá của người Việt thua kém so với người Thái, người Mã…

Người chịu trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lúc này, vì thế, đứng trước sức ép duy nhất nhưng là sức ép lớn nhất: phải mang chiếc cúp danh giá nhất khu vực Đông Nam Á về xứ sở bóng đá này. Không làm được điều ấy có nghĩa là thất bại, là không hoàn thành nhiệm vụ. Bất cứ biện giải, thuyết minh hoặc lời phân trần nào cũng không làm công chúng thỏa lòng nếu đội tuyển một lần nữa ra về trắng tay.

Khi nhận trách nhiệm này, ông H. Calisto hẳn cũng nhận ra sức ép dành cho mình. Là người tự trọng, chuyên gia Bồ Đào Nha chắc chắn đã thăm dò, khảo sát kỹ lưỡng mọi điều trước khi chấp nhận bước vào thách thức. Công chúng bóng đá Việt Nam cho đến lúc này vẫn không nghĩ rằng mình đã phó thác niềm hy vọng vào một nơi không xứng hợp. Nhưng cuộc chơi trên sân cỏ bao giờ cũng khắc nghiệt, đường đến vinh quang thường gập ghềnh, gian truân mà chỉ tài năng, đẳng cấp không thôi lắm lúc vẫn chưa đủ. Hãy chúc ông Calisto có những khoảnh khắc thông minh, lóe sáng nhất của sự nghiệp cầm quân và các tuyển thủ chơi bóng bằng tất cả đam mê với trái tim quả cảm hướng về hàng triệu công chúng quê nhà.

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.