.

Bernd Schuster, phận mỏng hay tài hèn?

.

Không ít nguồn tin cho rằng, số phận của “Thiên thần tóc Vàng” Bernd Schuster đã được quyết định ngay sau thất bại của Real trước Valladolid (15-11). Nhưng liệu Bernd Schuster có phải là nguyên nhân duy nhất đẩy Real vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thời gian gần đây? Có lẽ không, bởi màn trình diễn yếu kém mà Real thể hiện trong giai đoạn gần đây thực chất là hệ quả sau hàng loạt sai lầm mang tính hệ thống từ nhiều phía.
 

Ramos (trái) đã tiếp quản chiếc ghế do Schuster để lại.

Trước tiên là chính sách chuyển nhượng sai lầm mà Ban lãnh đạo Real thực hiện hồi mùa hè qua. Kiểu mua bán theo ý thích của các quan chức cấp cao của đội bóng này khiến HLV Schuster vừa không được bổ sung những tuyến cần thiết (hậu vệ, tiền đạo), vừa phải giải quyết cuộc khủng hoảng thừa ở một số vị trí (tiền vệ trung tâm…). Với một đội hình thiếu chiều sâu như vậy, việc các trụ cột rớt phong độ do quá tải và vấn nạn chấn thương ảnh hưởng đến tình hình đội bóng âu cũng là hiển nhiên.

Trong lúc đó, một số người cho rằng, vào thời điểm khó khăn nhất, chính tuyên bố “Real không có cơ hội thắng” của Schuster khi trận chiến quan trọng nhất trong năm El Clasico còn chưa diễn ra đã đánh vào niềm kiêu hãnh và tinh thần tự tôn cực lớn của CLB Hoàng gia. Bởi lẽ, Real có thể thua Barcelona, thậm chí bị hạ nhục ngay trong trận El Clasico nhưng đầu hàng khi cuộc chơi còn chưa bắt đầu là điều không thể chấp nhận được. Và Bernd đã bị “vạ mồm” khi phát ngôn không đúng lúc.

Thực ra, việc Bernd Schuster chuốc lấy kết cục này chẳng phải vì những nguyên nhân kể trên bởi tất cả những biện giải ấy chỉ là cái cớ. Bởi, theo hậu vệ Pepe của Real: “Mọi người đều thắc mắc rất nhiều về phát biểu cho rằng chúng tôi không thể chiến thắng tại Nou Camp nhưng tập thể đội bóng đều biết, thực sự Bernd chỉ muốn loại bỏ sức ép lên chúng tôi”.

Cách đây 1 năm khi đến từ Gatafe, Schuster được chào đón như một người hùng trong ánh hào quang và sự kỳ vọng lớn lao. Nhưng chỉ 1 năm sau, ông ra đi không một lời từ biệt, dù đã để lại dấu ấn bằng chức vô địch La Liga 2007-2008. Song với một người từng gắn bó cùng sân cỏ Tây Ban Nha từ khi còn là một cầu thủ 21 tuổi - vừa lên ngôi vô địch EURO 1980 và sau đó, đoạt “Quả Bóng Bạc châu Âu” - và khoác cả 3 sắc áo Barcelona, Real, Atletico, Schuster không quá lạ lẫm với triết lý của La Liga.

Thử xem, từ lúc chia tay Fabio Capello vào năm 1997, Real đã có 9 lần thay HLV trong khoảng thời gian 11 năm! Không hẳn tất cả những nhà cầm quân đến và đi khỏi Bernabeu là những HLV kém tài. Ở một khía cạnh khác, không thể cho rằng Ban lãnh đạo Real quá võ đoán bởi từ năm 1998 đến nay, “Kền kền Trắng” đã giành 4 chức vô địch La Liga, 2 Cúp Quốc gia, 3 Siêu Cúp Tây Ban Nha, 3 chức vô địch Champions League, 1 Siêu Cúp châu Âu, 2 Cúp Liên lục địa. Phải chăng, Real thấy rõ đâu là thời điểm thất bại của những HLV xuất sắc mà họ sở hữu? HLV giỏi nhưng đang “gặp hạn”, như Schuster, thì nên sa thải ngay.
 

Và cũng như rất nhiều người tiền nhiệm, Schuster (áo trắng,bị truất phế chẳng phải do kém tài năng.

Khi những nhà cầm quân ấy “gặp thời”, Real lại dùng, như Capello từng được mời về Bernabeu đến 2 lần và đều thành công. Theo nhiều người, vấn đề ở đây chính là cách nhìn nhận, đánh giá về HLV của La Liga, giống như bóng đá Đức. Tại Bundesliga, khi một HLV thất bại liên tục, họ dễ dàng bị mất việc dù CLB chủ quản chưa bao giờ xem đó là những nhà cầm quân kém tài mà chỉ xem như HLV ấy đang “gặp hạn”.

Thế nhưng, cả La Liga lẫn Bundesliga đều không có sự kiên nhẫn như Premier League. Nhờ đó mà Sir Alex mới có cơ hội thành công cùng M.U dù 3 năm đầu tiên chỉ toàn là thất bại. Hay như “Giáo sư” Wenger vẫn tại vị mặc cho Arsenal đã có một sự khởi đầu đầy thất vọng ở Premier League 2008-2009. Song khi đã bị đuổi việc, một HLV bóng đá Anh mặc nhiên bị xem là một kẻ bất tài với cơ hội hành nghề giảm ở mức thấp nhất.

Cho nên, trong trường hợp của Bernd Schuster, dù bị đông đảo cổ động viên Real lăng mạ là “gã người Đức tóc vàng ngốc nghếch” song chắc chắn, Ban lãnh đạo “Kền kền trắng” không nghĩ như thế. Ngay như “Chúa Nhẫn” Raul Gonzalez, là “thánh sống” của sân Bernabeu, cũng bị bộ đôi Hà Lan Rafael Van der Vaart và Wesley Sneijder chỉ trích về mối quan hệ không mấy tốt đẹp với đồng đội. Vì thế, Bernd có thể đắng cay khi ông đã không chọn đúng môi trường thích hợp, thay vì phải tủi hổ do tài năng huấn luyện của mình không tương xứng với những “đại gia” cỡ Real

Nguyên An

;
.
.
.
.
.