Những tin tức mới nhất cho thấy ngày càng có nhiều cầu thủ Việt Nam lớn lên và chơi bóng ở nước ngoài muốn trở về và được thi thố tài năng trên sân cỏ quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn của chính họ hoặc của cha mẹ họ.
Lee Nguyễn. (Ảnh tư liệu) |
Kế tiếp là chuyến trở về để tham gia các buổi sát hạch trình độ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức của 8 cầu thủ Việt Nam hiện đang khoác áo các câu lạc bộ bóng đá Đức. Ngô Tuấn Anh, 21 tuổi, là người đầu tiên trong số này vừa tham dự sát hạch qua việc chơi bóng cùng một đội…lão tướng ở thủ đô Hà Nội. Và theo những người có trách nhiệm theo dõi buổi sát hạch thì cầu thủ đang khoác áo đội 2 của câu lạc bộ Dynamo Dresden này có nhiều tố chất đáng chú ý, dù rằng anh chưa có dịp giới thiệu trọn vẹn năng lực của mình do phải chơi bóng với…các ông lão.
Cùng với thông tin cho biết vào đầu năm tới, hai tuyển thủ gốc Việt của đội tuyển U-17 Slovakia là Emil Lê Giang và Patrick sẽ về Việt Nam thử việc, “làn sóng” cầu thủ Việt ở nước ngoài muốn được thi thố tài nghệ ngay tại quê cha đất tổ có thể đang gây phấn chấn cho một bộ phận công chúng sau thời gian dài chứng kiến cảnh đìu hiu, thiếu vắng nhân tố mới của sân cỏ trong nước.
Nó như gáo nước mát lạnh dành cho người bộ hành là bóng đá Việt Nam trên con đường thiên lý với đôi chân có phần rã rời sau gần chục năm dấn thân vào con đường chuyên nghiệp. Với người hâm mộ giàu tâm huyết, những người vốn mỏi mòn chờ đợi được thấy sân cỏ nước nhà sớm xuất hiện lớp cầu thủ tài năng mới sau thế hệ vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh...,các chuyến trở về của những người con tha phương có thể khơi gợi hy vọng về những nhân tố mới giúp con tàu bóng đá xứ sở tăng tốc.
Và dù cuối cùng, những điều hy vọng, gửi gắm này không thành sự thực thì ít nhất cái “làn sóng” trở về với sân cỏ quê nhà đáng mừng kia cũng gợi nên cảm hứng mới trên một sân chơi cần thêm rất nhiều các yếu tố về tình tự dân tộc và xúc cảm nhân văn.
Điều lo lắng là liệu các nhà quản lý bóng đá có làm hết sức mình để nuôi dưỡng, kích thích tình tự dân tộc để từ đó khơi gợi niềm đam mê sáng tạo trên sân cỏ, không chỉ với những đứa con trở về từ phương xa mà cả với đội ngũ cầu thủ trong nước đang là rường cột của V- League, giải hạng nhất.
Đừng quên rằng quan sát, thẩm định năng lực một cầu thủ có thể là việc làm đơn giản đối với các nhà chuyên môn bóng đá nhưng khơi gợi và phả vào tâm hồn những người con phương xa tình tự dân tộc, ý niệm sắc áo màu cờ không phải là chuyện một sớm một chiều. Vì thế, một chiến lược khai thác có hiệu quả nguồn lực bóng đá người Việt ở nước ngoài để làm mạnh thêm lên cơ thể bóng đá nước nhà phải chăng là một trong những điều cần kíp lúc này?
Nguyễn Đình Xê