.

SHB Đà Nẵng và nỗi lo về cầu thủ

.

Việc cầu thủ U-19 Đà Nẵng Nguyễn Chính Âu cùng hơn 10 thanh - thiếu niên bị Công an quận Thanh Khê bắt quả tang đang “phê” và “lắc” tại khách sạn Thiện Thanh rạng sáng 30-11 đã khiến không ít người bất ngờ. Bởi, theo HLV Phan Công Thìn - từng huấn luyện Chính Âu ở đội U-17 - thì cầu thủ này khá lành tính, không có biểu hiện gì đáng ngờ vực về đạo đức. Hơn thế nữa, sau không ít scandal từng xảy ra trong quá khứ, SHB Đà Nẵng đã hết sức quan tâm đến công tác quản lý, giáo dục VĐV.

Để những cầu thủ trẻ thành công về chuyên môn đã khó, nhưng để giáo dục thành người càng khó gấp bội!

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các HLV cũng như toàn bộ các tuyến VĐV - từ U-13 đến U-21 - tại Làng Bóng đá Tuyên Sơn để triển khai các biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý cầu thủ. Theo ông Bùi Xuân Hòa, quan điểm của lãnh đạo đơn vị là kiên quyết xử lý những trường hợp cầu thủ dính dáng đến các chất ma túy.

Những trường hợp được phát hiện sẽ bị loại bỏ và những cá nhân vi phạm phải chịu bồi hoàn toàn bộ kinh phí đào tạo cùng những thiệt hại về hình ảnh, uy tín của công ty. Đặc biệt, sau cuộc họp nói trên, toàn bộ các VĐV và gia đình VĐV đều phải cam kết bằng văn bản về việc cầu thủ cam đoan không sử dụng các chất ma túy và gia đình có trách nhiệm cùng Ban huấn luyện các tuyến quản lý, giáo dục VĐV không sử dụng các chất ma túy.

Còn nhớ, trong một cuộc trao đổi trước đây, với tư cách Giám đốc Điều hành CLB SHB Đà Nẵng, ông Bùi Xuân Hòa từng nhận định: Trong giai đoạn hiện nay, sinh hoạt của giới trẻ và đặc biệt, các cầu thủ bóng đá có thu nhập cao, việc sa vào các tệ nạn xã hội là rất dễ. Tình trạng cầu thủ bóng đá sử dụng các chất ma túy đã từng xảy ra và không loại trừ đội bóng nào. Chúng tôi từng gọi một số VĐV Đà Nẵng có quan hệ với những cầu thủ ở các đội khác - vốn có biểu hiện nghi vấn - để nhắc nhở, khuyến cáo. Qua thực tế, không ít cầu thủ đều cho rằng, việc sử dụng các chất ma túy chỉ… cho vui (?). Và từ những “cuộc vui” như thế, sai phạm của cầu thủ mới được phát hiện.

Thậm chí, nhờ vào sự cảnh giác, SHB Đà Nẵng đã sớm hủy hợp đồng cùng A.T (Thanh Hóa) và T.P (Hải Phòng) khi xác định được các cầu thủ này đã sử dụng ma túy. Một thời gian dài, lãnh đạo cũng như Ban huấn luyện SHB Đà Nẵng không ít lần phải sử dụng đến “hạ sách” để kiểm tra nội bộ những cầu thủ có biểu hiện sử dụng các chất ma túy.
 
Nhờ đó, những đầu mối nghi vấn dần được loại trừ. Tuy nhiên, khi được đề cập đến việc phối hợp cùng các cơ quan chức năng như Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB và XH), Phòng Cảnh sát Phòng chống ma túy (PC17), Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Phòng An ninh Văn hóa (PA25), Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, giáo dục, quản lý và kiểm tra đột xuất nước tiểu của các VĐV bất kỳ để ngăn ngừa tối đa tình trạng sử dụng chất ma túy trong cầu thủ, lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng lúc ấy đã không mạnh dạn vì “e ngại không nhận được sự đồng thuận từ các VĐV”!

Cho dù không thể phủ nhận trách nhiệm của Ban huấn luyện U-19, nhưng vấn đề lớn nhất của Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng vẫn là việc đề ra những biện pháp chặt chẽ hơn trong công tác giáo dục, quản lý VĐV và ngăn ngừa một cách hiệu quả sự len lỏi của tệ nạn xã hội vào các cầu thủ. Đã đến lúc, Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng phải bằng hành động thực tế để loại trừ ma túy ra khỏi tập thể VĐV.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.