.

Mờ - tỏ những tấm gương

.

Thông tin về việc HLV Nguyễn Trần Tấn Lực lợi dụng danh nghĩa người thầy để “sàm sỡ” với học trò đã khiến lòng tự trọng của những HLV thuộc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV thành phố Đà Nẵng (Trung tâm HL-ĐT VĐV, Sở VH-TT và DL) bị tổn thương nghiêm trọng. Bởi, để tạo dựng nên hình ảnh đẹp của một người thầy, không chỉ giỏi trong công tác huấn luyện mà mỗi HLV phải thực sự là một tấm gương sáng để các học trò noi theo về đạo đức, tư cách. Hành động này của HLV Nguyễn Trần Tấn Lực cũng đã được ngành VH-TT và DL có những động thái tích cực để xử lý thỏa đáng.

Hình ảnh đẹp về những người thầy như Phan Thanh Toại (áo trắng) vẫn không xa lạ với các VĐV Đà Nẵng.

Ngược lại hành động của Tấn Lực, đội ngũ HLV của Trung tâm HL-ĐT VĐV Đà Nẵng đã có nhiều người xứng đáng với vai trò người thầy. Với Phan Thanh Toại chẳng hạn, khi phần lớn các VĐV bơi lội Đà Nẵng được tuyển chọn từ những địa phương khác, ngoài vai trò người thầy, anh còn là người anh, người bố với sự quan tâm đến cả những điều nhỏ nhặt nhất của từng VĐV. Hay như Phạm Tấn Đạt, khi kinh phí của ngành TDTT còn nhiều khó khăn, HLV này từng phải bỏ tiền túi mua sắm các dụng cụ luyện tập bổ trợ để tạo điều kiện cho các học trò của mình được đăng quang tại các giải đấu cả trong lẫn ngoài nước.
 
Hay đó là Phan Công Thìn từng tâm sự trong nước mắt khi các học trò của anh bị những vấp ngã đầu đời khi khoác áo tuyển thủ U-23 Việt Nam. Rồi nỗi đau của Toại bởi trong thời gian 6 tháng đưa các học trò đi tập huấn nước ngoài cũng là khoảng thời gian dài mà vợ của anh phải nằm viện nhưng thiếu vắng bàn tay chăm sóc của chồng. Còn Phạm Tấn Đạt từng kéo dài thời gian lập gia đình bởi cái “nghiệp” huấn luyện quá lớn với anh. Và còn những Hoàng Nam Thắng, Dương Lê Quốc Linh, Lê Công Khanh… đã chấp nhận biết bao thiệt thòi trong cuộc sống đời thường nhưng không một lời than vãn để cố gắng gìn giữ hình ảnh người thầy thật đẹp trong mắt những học trò của mình ở các đội tuyển Cờ Vua, Taekwondo, Karatedo…

HLV bơi lội Nguyễn Tấn Quảng từng tâm sự: Do hầu hết các em còn rất nhỏ và phải sống xa gia đình từ sớm nên ngoài vai trò của một người thầy, mỗi HLV của bộ môn còn đóng vai trò làm cha mẹ, người bạn lẫn bác sĩ, trọng tài… với các em. Hơn nữa, với đặc điểm tâm lý ở từng lứa tuổi, chúng tôi thường xuyên động viên tinh thần các em, quan tâm đến sức khỏe từng VĐV, có sự công bằng trong đối xử cũng như tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ, buồn vui của từng em. Có như thế, các em mới yên tâm và chuyên chú vào tập luyện, học tập… Thực ra, chẳng có gì quá khó khăn nếu từng HLV tận tâm với công việc của chính mình.

Phó Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Nguyễn Đông Hải cũng thừa nhận những khó khăn, vất vả của các thầy, cô khi phải chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, đưa đón thường xuyên để các em không dở dang buổi học văn hóa nào tại nhà trường phổ thông. Thậm chí, lo lắng cho các học trò “có khi còn hơn cả với con cái của mình” như một HLV từng bộc bạch.

Đáng buồn hơn khi chưa bao giờ, Thể thao Đà Nẵng lại có được kết quả thi đấu tốt hơn mùa 2008 với số lượng huy chương, số bộ môn đoạt huy chương và cả những thông số kỹ thuật đều tăng tiến đáng kể lại chỉ vì sự tha hóa của một con người trong tập thể gần 100 HLV và hơn 400 VĐV ấy đã khiến những nỗ lực đến tận cùng của thầy và trò Trung tâm HL-ĐT VĐV mất đi rất nhiều ý nghĩa. Một HLV nói trong nghẹn ngào: “Những ngày này, chúng tôi thực sự xấu hổ khi mọi người biết mình là một HLV, một cán bộ ngành TDTT”.

Điều quan trọng nhất hiện nay với tập thể HLV, VĐV Trung tâm HL-ĐT VĐV phải tạo sự thống nhất, nỗ lực cao hơn nữa, bởi mùa thi đấu 2009 là bước dậm đà cho Thể thao Đà Nẵng trước thềm Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010). Thể thao Đà Nẵng đã và có rất nhiều tấm gương sáng; vì thế, vết ố trên một tấm gương không đủ để làm phai mờ những nét đẹp đã và đang có ở Trung tâm HL-ĐT VĐV Đà Nẵng…

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.