.

Một ngày và mãi mãi

.

Những khán giả có mặt ở khán đài B sân vận động Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh chiều 10-1-2009 trong buổi khai mạc Cúp Kinh Đô- Vinacapital có lẽ trải qua những phút giây bùi ngùi bịn rịn hiếm có trong đời.

Một trận đấu trong giải Cúp Kinh Đô - Vina-
capital.Ảnh tư liệu)

Đến cổ vũ cho đội nhà Thép Miền Nam-Cảng Sài Gòn, họ trương lên bên mình tấm biểu ngữ mang dòng chữ “Một ngày Cảng Sài Gòn, mãi mãi Cảng Sài Gòn” với nhiều lưu luyến. Chỗ ngồi quen thuộc, cảm hứng cũng không hề xa lạ, song chiều ấy rõ ràng khác với tất cả nhiều chiều bóng đá trước đây:

Họ sắp chia tay khái niệm bóng đá Cảng Sài Gòn vì đó là những ngày cuối cùng thương hiệu bóng đá này còn gắn với một đội bóng cụ thể. Từ cuối tháng 1-2009, sau hơn 30 năm gắn liền với thăng trầm của bóng đá TP. Hồ Chí Minh và buồn vui của sân cỏ cả nước, cái tên “Cảng Sài Gòn” không còn nữa.

Đó hẳn là cuộc chia tay không hề dễ dàng, đặc biệt đối với những thế hệ cổ động viên vốn tìm kiếm niềm vui qua vẻ đẹp, tính ngẫu hứng mà bóng đá Sài Gòn từng phô diễn như một nét riêng, trong đó Cảng Sài Gòn từ lâu trở thành đại biểu cô kết nhất của trường phái bóng đá huê dạng, coi trọng kỹ thuật cá nhân và lối chơi đồng đội gắn kết.

Thời gian trôi qua, bóng đá thực dụng được đề cao, vẻ đẹp sân cỏ được nhìn ngắm từ nhiều góc cạnh - trong đó có góc cạnh đi ngược với vẻ rườm rà, rối rắm trong lối chơi - khiến không ít người lo lắng cho tuổi thọ của trường phái này.

Dù thế nào, với những khán giả nặng nợ với “thương hiệu Cảng Sài Gòn”, trong lúc chờ đợi các cách tân sao cho phù hợp với xu thế mới của sân cỏ, họ vẫn mong mỏi được chứng kiến mỗi ngày chất “cảng” trong lối chơi từ thế hệ đàn cháu của những Tam Lang, Dương Văn Thà, Lưu Kim Hoàng, đàn em của những Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn…

Có thể đó là nỗi đợi chờ vô vọng dành cho một tập thể không thể không dao động trước sức mạnh của đồng tiền và thúc ép của bóng đá thực dụng trong tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở một đấu trường coi trọng thành tích trước mắt như V-League.

Nhưng có hề gì, đó là tình yêu đẹp mà sân cỏ cần tôn vinh, là sự thủy chung cần thiết nuôi lớn khát vọng sắc áo màu cờ giữa người hâm mộ và cầu thủ, giữa khán giả và đội bóng.

Với những người hâm mộ Cảng Sài Gòn, đây không phải là cuộc chia tay một cái tên bóng đá từng ngự trị sống động trong đời sống thao trường hàng chục năm qua, mà chính là sự tiễn biệt một nguồn cảm hứng, một giá trị sân cỏ mang tính truyền thống.

Trên thực tế, những cầu thủ của đội bóng này vẫn còn đó, họ chỉ thay chiếc áo đấu cho hợp với sân cỏ thời cạnh tranh thị trường khắc nghiệt. Nhưng quả là thật khó đòi hỏi họ về trách nhiệm và năng lực bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc Cảng Sài Gòn.

Một ngày Cảng Sài Gòn, mãi mãi Cảng Sài Gòn, dòng chữ lặng lẽ trên khán đài sân Thống Nhất như một lời trách cứ, một nhắc nhở nhiều thao thức. Và không riêng với một cái tên bóng đá từ đây không còn nữa, nhiều câu lạc bộ khác vẫn có thể tìm thấy từ lời nhắn gửi này nhiều bài học thú vị, bổ ích trong hành trình tạo dựng thương hiệu, phong cách, bản sắc và giá trị truyền thống của riêng mình.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.