.

Niềm vui trọn vẹn

.

Sau thành công của các “kình ngư” Đà Nẵng tại giải Bơi lội Vô địch quốc gia 2008, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV (HL-ĐT VĐV) thuộc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) Nguyễn Đông Hải phấn khởi cho biết: “Có lẽ đây là lần đầu tiên, những người làm thể thao như chúng tôi mới có được niềm vui thực sự trọn vẹn. Hạnh phúc không chỉ bởi hiệu quả đào tạo được khẳng định mà thành tích ấy đã được mang về bởi những VĐV Đà Nẵng chính hiệu”.

Hạnh phúc cũng phải khi những năm qua, từ cách làm “chuyên nghiệp hóa thể thao”, việc chuyển nhượng VĐV được tiến hành ồ ạt mà bản chất là để “mua thành tích”, thay cho việc chăm bẵm từ gốc, trong đó Đà Nẵng không là ngoại lệ. Chẳng phải những nhà quản lý, đội ngũ HLV đã phải suy nghĩ khi không ít VĐV khoác áo Đà Nẵng được vinh danh song tên tuổi ấy lại chẳng được đào tạo, dù chỉ 1 ngày bởi Trung tâm HL-ĐT VĐV.

Ý thức trách nhiệm với tương lai Thể thao Đà Nẵng, Trung tâm HL-ĐT VĐV hạn chế tối đa việc chạy theo thành tích bằng việc xây dựng nền tảng căn cơ mà trước hết dành cho những môn mũi nhọn. Những cuộc săn lùng, tuyển chọn những hạt giống tốt từ thể thao phong trào, ở các địa phương không dễ, kèm theo đó là việc huấn luyện, đào tạo trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn để vươn đến đỉnh cao lại càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, đến lúc này, thầy và trò Trung tâm HL-ĐT VĐV đã có thể hài lòng sau một mùa thi đấu cam go, như đánh giá của Giám đốc Trung tâm Đặng Đông Hải:

- Mùa thi đấu 2008, Thể thao Đà Nẵng có thể tự hào khi số lượng HCV giành được ở các giải quốc gia và quốc tế đều tăng, số môn thi đấu đoạt huy chương cũng đa dạng. Đặc biệt, chất lượng thi đấu của các VĐV đang có chiều hướng tăng tiến rất khả quan.

Đáng mừng hơn khi không ít VĐV gốc Đà Nẵng được các bộ môn phát hiện, tuyển chọn, đào tạo từ đầu đã bước đầu khẳng định hoặc tiếp tục giữ vững thành tích của mình như các VĐV Điền kinh Bùi Nhật Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Ly, Nguyễn Thị Thanh Phúc liên tiếp giành ngôi vô địch quốc gia hay Hoàng Quý Phước nổi lên như một ngôi sao mới trên đường đua xanh…

Để góp phần xây dựng nên một vị thế mới, thực sự vững chắc cho Thể thao Đà Nẵng, các VĐV đã phải hy sinh những quyền lợi cá nhân trước mắt để vì lợi ích chung lâu dài của tập thể. Một lần, nói chuyện cùng ba “cô gái Vàng” Đà Nẵng: Bùi Nhật Thanh, Ngọc Ly, Thanh Phúc mới biết được những mất mát của các cô.

Với “chị cả” Nhật Thanh, khó có được những giây phút cho tình cảm riêng tư vì các giải đấu luôn dày đặc trong thời gian biểu của cô. Ngọc Ly đến với Điền kinh cũng xuất phát từ niềm đam mê hiếm thấy. Khởi đầu với nội dung ném đĩa nhưng chỉ sau 2 năm được tuyển, cô gái này được chuyển sang thi đấu tạ xích (2004) và hầu như chưa có đối thủ xứng tầm. “Biết rằng cuộc đời của VĐV hết sức vất vả nhưng khi đã đam mê, em không thể xa rời sân đấu”.

Niềm đam mê ấy giúp Ngọc Ly dễ dàng từ bỏ chuyến du học Mỹ do gia đình sắp xếp để ở lại quê hương và đội tuyển Điền kinh Đà Nẵng. Đam mê cũng tạo động lực để Nguyễn Thị Thanh Phúc ròng rã đạp xe đạp suốt 3 tháng đến Trung tâm HL-ĐT VĐV luyện tập khi chưa được tuyển chính thức. Và cũng hơn một lần, cô gái ấy phải nuốt nước mắt khi bị mất HCV oan uổng để đứng lên, mạnh mẽ hơn, liên tiếp giành HCV cùng kỷ lục quốc gia nội dung đi bộ 5.000 mét nữ.

Trong lúc đó, ở độ tuổi 15, Hoàng Quý Phước đã bước vào con đường chuyên nghiệp để hướng đến những mục tiêu chinh phục trên đường đua xanh. Trưởng bộ môn Bơi lặn (Trung tâm HL-ĐT VĐV Đà Nẵng) Phan Thanh Toại nhận xét: “Từ ngày được tập trung về đội tuyển đến nay, chưa bao giờ Phước để các thầy phải nhắc nhở về việc sinh hoạt, học tập, tập luyện của mình”.

Mục tiêu của Thể thao Đà Nẵng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2010) là giành 25-30 HCV để lọt vào nhóm 7 đơn vị dẫn đầu. Trong đó, những VĐV người Đà Nẵng đang được hy vọng sẽ đóng góp 50% vào thành công chung cho thể thao quê hương. Và Nhật Thanh, Ngọc Ly hay Hoàng Quý Phước đang được xem như những cánh én đầu mùa đang gọi bầy để một mùa xuân rạng rỡ đến với Thể thao Đà Nẵng giữa ngày hội lớn.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.