.

“Quả Bóng Vàng 2008” cho Dương Hồng Sơn?

.

(ĐNĐT) - Dù chỉ giành vị trí thứ 2 sau VĐV Cử tạ Hoàng Anh Tuấn (Đà Nẵng) trong cuộc bầu chọn “VĐV tiêu biểu toàn quốc 2008”, nhưng danh hiệu “Quả bóng Vàng Việt Nam 2008” cho Dương Hồng Sơn, tại sao không?

Sự xuất sắc của Hồng Sơn đã khiến người Thái nản lòng.
Đã có nhiều ý kiến khẳng định, thủ môn là “phân nửa của đội bóng” và với chiến thắng đầu tiên của bóng đá Việt Nam sau 49 năm đằng đẵng, đa phần những lời ca ngợi dành cho Lê Công Vinh với 2 bàn thắng vào lưới Thái Lan ở cả 2 lượt đi - về. Nhưng không thể quên được, thủ môn của T&T Hà Nội cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa đội tuyển Việt Nam lên ngôi Vua Đông Nam Á.

Ngoài trận gặp Lào và Malaysia, ở vòng chung kết AFF Cup 2008, chúng ta luôn bị đẩy vào thế của đội bóng chiếu dưới, buộc phải chọn lối chơi phòng ngự - phản công. Để thành công với lối chơi đó, trước hết cần phải dựa vào một hệ thống phòng thủ đủ khả năng khắc chế những đối thủ “cửa trên”; trong đó, thủ môn phải hoàn thành tốt vai trò “người giữ đền”. Thử nhìn vào những con số thống kê mới thấy được Hồng Sơn đã vượt trên tầm xuất sắc.

Trong 7 tình huống sút bóng trúng mục tiêu của Singapore ở trận bán kết lượt về, Dương Hồng Sơn đã 6 lần cản phá thành công. Hay trong trận chung kết lượt đi trên sân Rajamangala trước Thái Lan, ít nhất thủ môn này đã có 2 pha bóng xuất thần để cứu nguy cho khung thành tuyển Việt Nam sau cú đánh đầu cực mạnh tầm gần của Sutee (phút 13) và cú sút phạt hiểm hóc của Sunthornpit ở phút 85.

Không ngẫu nhiên để sau đó, HLV Peter Reid của đội chủ nhà cũng phải thừa nhận: “Chúng tôi thua vì thủ môn đội bạn quá giỏi, anh ta đã làm nản lòng các chân sút của chúng tôi”. Và trong trận chung kết lượt về, nếu Hồng Sơn không kịp đẩy bóng cứu thua sau cú sút chân trái cực mạnh của Teerathep, tỷ số hẳn nghiêng về người Thái từ phút 60.

Chỉ từng ấy con số thống kê cũng quá đủ để nhận ra giá trị của Dương Hồng Sơn trong chiến thắng của bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2008. Để rồi, danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008” được dành cho anh như một sự tưởng thưởng xứng đáng bởi trước đó, anh từng nản lòng với kiếp “người thừa” ở đội tuyển.

Ngay từ chiến dịch vòng loại Olympic Athens, Sơn đã từng được tập trung và thường xuyên ở vị trí thủ môn số 3, sau Thế Anh lẫn Quang Huy. Mãi đến ngày 8-7-2007, trong trận đấu cùng UAE tại vòng loại ASIAN Cup, Hồng Sơn mới “lật đổ” Quang Huy khi nắm bắt rất tốt cơ hội được giao bắt chính.

Và tài năng của anh đã được ghi nhận với danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008”.

Dường như số phận vẫn muốn thử thách anh khi chuẩn bị cho AFF Cup 2008, Hồng Sơn lên tuyển cũng chỉ nằm trong kế hoạch làm dự bị cho Santos. Thậm chí, dù Santos kém cỏi để đưa đội tuyển Việt Nam đến một thất bại toàn diện tại Cúp Bóng đá TP Hồ Chí Minh, ông Calisto vẫn đòi loại Hồng Sơn để giữ lại học trò ruột của mình. Nếu không có sự kiên quyết của Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn, hẳn Hồng Sơn đã không thể có cơ hội tỏa sáng đúng lúc và đóng góp một phần rất quan trọng vào chiến tích hôm nay của đội tuyển Việt Nam.

Ngay cả trong hành trình AFF Cup 2008, tưởng chừng anh đã sớm nếm vị đắng sau những lỗi lầm ngớ ngẩn (vuột bóng, trận thua Thái Lan 0-2 và giữ bóng quá 6 giây, trận thắng Malaysia 3-2) khiến có lúc, Hồng Sơn luôn sống trong nỗi ám ảnh thất bại. Nhưng những gì từng thể hiện sau quá nhiều “tai nạn”, Dương Hồng Sơn cho thấy, anh đã thực sự trưởng thành để tỏa sáng rực rỡ trong những thời điểm quyết định cho đội tuyển Việt Nam.

Đã 7 năm trôi qua, khi danh hiệu cao quý “Quả bóng Vàng Việt Nam” được trao lần đầu tiên cho một thủ môn với chủ nhân là Võ Văn Hạnh. Còn bây giờ, chàng thủ môn 26 tuổi Dương Hồng Sơn đang có cơ hội rất lớn để lặp lại chiến tích ấy bởi với thủ môn, việc sở hữu một danh hiệu cá nhân sẽ vô cùng khó khăn khi các đối thủ trong cuộc bình chọn lại là những chân sút, vốn mang lại nhiều cảm hứng hơn cho người xem lẫn những nhà chuyên môn.

Tuy nhiên, một khi đã trở thành “Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008”, hành trình đến “Quả bóng Vàng Việt Nam 2008” đang rất gần với Dương Hồng Sơn?

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.