.

Qua rồi thời “ăn xổi”

.

Để có thể lọt vào các vị trí 5-7 trong bảng xếp hạng chung cuộc của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), Đoàn Thể thao Đà Nẵng phải đạt từ 35-40 HCV với đối tượng tranh chấp là các đoàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Bộ Công an, Hải Phòng…

Dù chưa giành được những thành tích cao nhất nhưng việc đầu tư cho những tài năng trẻ chính là nền tảng phát triển vững chắc cho tương lai Thể thao Đà Nẵng.

Cho dù thành tích gặt hái được trong năm 2008 hết sức ấn tượng khi VĐV của các đội tuyển Thể thao Đà Nẵng mang về 30 HCV, 44 HCB, 67 HCĐ, lập hàng chục kỷ lục quốc gia cùng 70 lượt VĐV đạt danh hiệu Kiện tướng quốc gia… tại các giải Vô địch toàn quốc, nhưng theo ông Đặng Đông Hải - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - đào tạo vận động viên, thì:
 
“Thực tế, các VĐV là người Đà Nẵng hoặc do Đà Nẵng phát hiện, đào tạo chưa đáng kể, cả về số lượng lẫn chất lượng thi đấu. Một bộ phận HLV chưa đủ trình độ huấn luyện VĐV đỉnh cao cùng với cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo. Trong lúc đó, có nhiều môn có phong trào rất mạnh nhưng thành tích cao lại kém như Võ Cổ truyền, song lại có những môn phát triển theo hướng ngược lại như Karatedo. Ngoài ra, chúng ta còn thiếu hệ thống máy tập liên hoàn, có máy đo những thông số sinh học của VĐV trong quá trình vận động để xác định giáo án, phương pháp huấn luyện cho phù hợp;hệ thống máy móc giúp VĐV phục hồi cùng những thiết bị điều trị chấn thương…”.

Trong đó, đáng lo nhất là lực lượng. Theo ông Đặng Đông Hải, dù các bộ môn Bơi lặn, Điền kinh, Silat, Judo, Đua thuyền truyền thống… đã xuất hiện nhiều VĐV “tại chỗ” có khả năng tranh chấp ngôi vô địch, nhưng để đạt 50% số lượng HCV Đại hội TDTT như dự kiến cũng khó bảo đảm. Vì thế, dù không muốn, nhưng Thể thao Đà Nẵng vẫn buộc phải chấp nhận bước vào thị trường chuyển nhượng VĐV để bù đắp sự hụt hẫng tại chỗ; đồng thời mời một số chuyên gia nước ngoài, HLV nổi tiếng trong nước về tham gia công tác huấn luyện, đào tạo các VĐV chủ lực.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT và DL, trong khoảng 350 - 400 VĐV Đà Nẵng tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), có khoảng 300 VĐV có khả năng tranh chấp huy chương các loại tại Đại hội; trong đó, có từ 20-30 VĐV chuyển nhượng. Giám đốc Sở VH-TT và DL Ngô Quang Vinh phân tích:
- Đà Nẵng thực hiện chính sách thu hút nhân tài TDTT là một việc làm cấp bách xuất phát từ nhu cầu thực tế trước mắt.

Về lâu dài, chúng tôi từng bước hạn chế việc chuyển nhượng VĐV và chú trọng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo với hàng loạt giải pháp. Trước tiên, chúng ta phải sử dụng các HLV giỏi, nâng cao trình độ HLV thông qua các lớp đào tạo nâng cao, áp dụng các thành tựu KH-KT tiên tiến vào quá trình huấn luyện, gửi các VĐV xuất sắc đi tập huấn ngắn hạn và dài hạn tại các Trung tâm TDTT mạnh trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, tổ chức nhiều giải thể thao quần chúng, tập trung vào các đối tượng thanh - thiếu niên, học sinh để tuyển chọn VĐV, kế thừa và phát huy thế mạnh của Thể thao thành tích cao Đà Nẵng (như VĐV bơi Hoàng Quý Phước); tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo, phát hiện VĐV trong các đối tượng, địa bàn bằng hình thức cấp kinh phí cho các CLB TDTT cơ sở đào tạo VĐV năng khiếu ban đầu. Ngoài ra, sau khi kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), dự kiến toàn bộ kinh phí chuyển nhượng VĐV sẽ được chuyển đổi sang kinh phí tập huấn trong và ngoài nước…

Hiện nay, UBND thành phố đã cho phép ngành TDTT điều chỉnh kế hoạch tập huấn theo hướng có hiệu quả nhất và có ràng buộc trách nhiệm về kết quả thi đấu. Sở VH-TT và DL cũng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan và Trung tâm HL-ĐT VĐV soạn thảo “Chiến lược phát triển TDTT thành tích cao đến năm 2020” để bảo đảm vị thế của TDTT Đà Nẵng ổn định và vững chắc bằng chính lực lượng VĐV của thành phố. Với những giải pháp đồng bộ và có tính chiến lược như thế, hẳn nhiên, Thể thao Đà Nẵng sẽ không còn e ngại rơi vào cảnh “ăn xổi”, như đã từng…

BẢO AN

;
.
.
.
.
.