.
Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa:

Chờ đợi một diện mạo mới trong mùa giải mới

.

(ĐNĐT) - Sau những màn trình diễn đầy ấn tượng ở các giải đấu khởi động cho mùa giải mới, trong đó có chức vô địch Cúp Bóng đá Truyền hình Bình Dương BTV Cup 2008, trong mắt các CLB tham gia V-League 2009, CLB SHB Đà Nẵng đã được nhìn nhận như một thế lực đáng kể ở mùa giải mới.

Nhân dịp năm mới Kỷ Sửu 2009, Đà Nẵng điện tử có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa (ảnh) chung quanh vấn đề này. Ông Hòa cho biết:

- Chúng tôi đã có một sự khởi đầu đáng lo ngại tại V-Legaue 2008 nhưng sau những bước củng cố cần thiết, SHB Đà Nẵng từng bước cải thiện được phong độ để gặt hái được thành tích khả quan khi mùa giải kết thúc. Thậm chí, nếu không có những sơ sẩy ở các lượt đấu cuối, chắc chắn, SHB Đà Nẵng đã có thể giành được vị trí tốt hơn hạng tư chung cuộc. Dẫu sao, chúng tôi cũng đã có một bản tổng kết đáng hài lòng trong năm đầu tiên hoạt động theo cơ chế mới.

Bước vào mùa giải 2009, CLB SHB Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị tích cực và hết sức nghiêm túc từ rất sớm. Nhận biết được những khó khăn có thể do việc Hồng Minh kết thúc hợp đồng và để lại khoảng trống ở vị trí tiền vệ phòng ngự, Ban huấn luyện sớm có nhiều phương án thử nghiệm thông qua thực tiễn thi đấu ở 3 giải tập huấn.

Thuận lợi lớn nhất của SHB Đà Nẵng là sự ổn định về lực lượng, ngoài việc Hồng Minh đến với T&T Hà Nội. Hơn nữa, sau thành công với ngôi vô địch giải Bóng đá U-21 Báo Thanh Niên 2008, rất nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng đã kịp thời được đôn lên CLB chuyên nghiệp. Nhờ đó, dù chưa thật xuất sắc và dù chỉ mới qua 3 giải tập huấn nhưng chúng tôi có thể khẳng định, SHB Đà Nẵng có lực lượng tương đối tốt, một số cầu thủ trẻ bước đầu đáp ứng được yêu cầu; đồng thời, lực lượng cầu thủ nước ngoài của chúng tôi cũng khá ổn định với bộ ba Almeida, Rogerio, Eduardo Molina và sự hòa nhập khá tốt của bộ đôi “tân binh” Sebastian Milo, Rafael Steve Rodrigues.

Mối quan ngại lớn nhất hiện nay của chúng tôi là việc Almeida đang bị một số CLB khác chèo kéo khiến cầu thủ này chịu những tác động đáng kể về tư tưởng. Mặc dù lãnh đạo công ty cũng như Ban huấn luyện đã trao đổi, động viên Almeida thực hiện trọn vẹn hợp đồng và tiếp tục có những thương thảo cho bản hợp đồng mới nhưng “Vua phá lưới V-League 2008” vẫn chưa có sự ổn định cần thiết.

Sau bước chuẩn bị khá thành công trước mùa giải mới, SHB Đà Nẵng (áo cam) đã được các đối thủ đánh giá rất cao.


Qua sự việc này, bóng đá Việt Nam vẫn bộc lộ những khiếm khuyết khi không ít CLB đã vi phạm điều lệ bóng đá chuyên nghiệp, quy định về chuyển nhượng cầu thủ và vi phạm về mặt đạo đức. Vì thế, VFF rất cần có những động thái tích cực hơn, quyết liệt hơn để bóng đá Việt Nam xây dựng được một nền tảng cần thiết và thực sự cho tiến trình chuyên nghiệp. Với CLB SHB Đà Nẵng, những bước chuẩn bị cần thiết đã hoàn tất và chúng tôi đang chờ đợi, CLB sẽ trình diễn được một diện mạo mới tích cực hơn trong mùa giải mới…

* Khát vọng vô địch hẳn có nhưng SHB Đà Nẵng vẫn đề ra chỉ tiêu giành huy chương, phải chăng đó là một thái độ “biết người, biết ta” của CLB?

- Hiện nay, hầu như những CLB hàng đầu đều có sự tăng cường đáng kể về lực lượng, đặc biệt là tình trạng nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài. Trong lúc đó, chúng tôi vẫn tận dụng tối đa năng lực nội tại và sử dụng lực lượng cầu thủ ngoại theo quy định của VFF. Nhìn về tương lai, nếu có khát vọng vô địch, chắc chắn SHB Đà Nẵng cũng phải tính đến phương án nhập tịch những cầu thủ nước ngoài đủ điều kiện để tăng cường lực lượng. Thế nhưng, theo quan điểm cá nhân, chúng tôi không hoàn toàn đồng tình với phương pháp này vì nhiều nguyên nhân.

Trước tiên, việc cho phép nhập tịch ồ ạt cầu thủ nước ngoài có thể nâng chất cho V-League nhưng sẽ hạn chế rất lớn công tác đào tạo trẻ của các địa phương, các CLB, dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”. Đồng thời, điều này cũng dễ dàng làm thui chột những cầu thủ trẻ, dẫn đến bóng đá Việt Nam sẽ thiếu những tiền đạo thực thụ. Mặt khác, không ít doanh nghiệp ủng hộ điều này cũng đồng nghĩa với việc góp phần tạo nên sự lũng đoạn thị trường chuyển nhượng khi giá trị của cầu thủ không tương ứng với chất lượng thực sự của họ. Chưa kể đến việc, một khi không ít cầu thủ nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được khoác áo đội tuyển Việt Nam, liệu rằng, những thành công (nếu có) của đội tuyển có thực sự mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người hâm mộ chăng! Cho nên, nhiều khả năng, bóng đá Việt Nam sẽ mất nhiều hơn được nếu chúng ta không có những giải pháp cần thiết về vấn đề này.

NGUYÊN AN (thực hiện)

;
.
.
.
.
.