.

Hứa hẹn hấp dẫn

.

Thành công của bóng đá Việt Nam tại cúp bóng đá Đông Nam Á vừa rồi cộng với sự chuẩn bị khá chu đáo trên nhiều khía cạnh từ phía các câu lạc bộ- nổi bật là việc tuyển quân, chọn tướng có chất lượng, việc phác thảo kế hoạch có tính chuyên nghiệp, quy củ- là những yếu tố được nhiều chuyên gia bóng đá dựa vào để dự đoán mùa bóng mới 2009 khởi tranh vào cuối tuần này hứa hẹn nhiều gay cấn, hấp dẫn và đáng để công chúng thưởng ngoạn.

Lee Nguyễn  (áo  trắng) chơi đặc biệt ấn tượng trong trận khai mạc Cúp quốc gia 2009.

Yếu tố thứ nhất mang tính kích thích tinh thần- cầu thủ Việt Nam lẫn các ngoại binh đến từ tứ xứ có thể ngẩng mặt khi hiểu rằng mình đang chơi cho một giải bóng đá có chất lượng cao của Đông Nam Á, nơi có đội tuyển vừa giành ngôi quán quân khu vực. Càng thể hiện phong độ cao ở một môi trường như vậy, cầu thủ càng tự nâng giá trị nghề nghiệp, một tiền đề quan trọng để lọt vào mắt xanh nhà tuyển trạch đội tuyển quốc gia Calisto( sau những gì đã diễn ra với đời sống tinh thần và vật chất của tuyển thủ bóng đá Việt Nam từ chiến thắng ở cúp Đông Nam Á, được khoác áo tuyển thủ quốc gia trở thành mơ ước của nhiều cầu thủ).

Yếu tố thứ hai thể hiện một thực tế: bóng đá ngày càng khẳng định vai trò bá vương trên dải đất hình chữ S có đông đảo công chúng cuồng nhiệt, hết lòng; từng địa phương, từng doanh nghiệp đều nhận ra tầm ảnh hưởng và tác động lớn lao của sân cỏ đối với đời sống văn hóa tinh thần và công việc kinh doanh nên trong điều kiện và khả năng cao nhất, họ đều chăm chút, đầu tư đúng mực cho đại diện của mình ở V-League hay ở giải hạng Nhất.

Bản thân sự chuyển dịch cầu thủ giữa các câu lạc bộ- mùa này diễn ra khá rầm rộ với nhiều dấu ấn chuyên nghiệp- cũng gợi lên trong mắt công chúng cái nhìn thú vị. Công Vinh rời cái nôi Sông Lam Nghệ An để đầu quân cho T&T Hà Nội, Thanh Bình bắt đầu khoác áo Hoàng Anh Gia Lai sau khi chia tay đội bóng quê nhà Đồng Tháp, Lê Hồng Minh chuẩn bị đối đầu với các đồng đội cũ ở Đà Nẵng khi về với T&T Hà Nội…Khá nhiều dấu ấn đi và đến gợi nhắc cảm xúc sân cỏ nhưng có lẽ sự trở lại của những cái tên “một thời lầm lỡ” thu hút nhiều hơn óc tò mò của công chúng.
 

Nỗ  lực  làm  lại, con đường phục thiện của Văn Quyến sẽ được người hâm mộ ghi nhận.
Nỗ lực làm lại, con đường phục thiện của những Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Văn Trương sẽ được người hâm mộ ngắm nghía trong ánh nhìn chờ mong, độ lượng. Cũng thú vị không kém với khán giả khi được chứng kiến cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn tung hoành trên sân cỏ quê nhà trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai. Khát vọng và sự đầu tư, chuẩn bị của nhiều câu lạc bộ đã giới thiệu bước đầu khuôn mặt nhiều sắc thái và đầy hứa hẹn của mùa giải mới ngay từ lúc bóng chưa lăn.

Nếu có điều gì đó chưa làm người hâm mộ thêm phấn khích thì điều đó phải chăng ở chỗ các nhà cầm quân còn quá rụt rè, quá ít khát vọng chinh phục đỉnh cao V-League khi đưa ra mục tiêu phấn đấu. Hầu hết huấn luyện viên đều khiêm tốn nêu lên cái đích trụ hạng, mạnh dạn lắm thì cũng chỉ dừng ở cái đích lọt vào nhóm 3 đội hoặc nhóm 5 đội đứng đầu.
 
Hai người duy nhất dám mơ đến chức vô địch chính là hai nhà cầm quân ngoại- ông Vital của câu lạc bộ Bình Dương và chàng trai trẻ Dusit của Hoàng Anh Gia Lai. Phải chăng chỉ mỗi nhà đương kim vô địch và đội bóng phố núi biết dùng bóng đá để quảng bá thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh mới dám nghĩ đến thành quả cao nhất hay các nhà cầm quân nội địa hãy còn sợ…há miệng mắc quai?

Nguyễn Đình Xê

 

;
.
.
.
.
.