.

Nỗi lo đào tạo bóng đá trẻ

.

Khi nói đến làn sóng nhập quốc tịch Việt Nam cho những cầu thủ nước ngoài đang đầu quân cho các CLB, Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa bộc lộ sự lo lắng:

Những tài năng như Đức Thiện (áo sẫm) sẽ không thể có cơ hội nếu việc nhập tịch ngoại binh vẫn không được kiểm soát.

- Việc nhập tịch ồ ạt cho cầu thủ ngoại sẽ khiến cuộc chơi không công bằng, phương hại đến nhiệt huyết của những người làm bóng đá trẻ và dẫn đến hệ lụy về việc chạy đua bất tận giữa các CLB để “Việt hóa” cầu thủ ngoại một cách hợp pháp. Chưa kể đến sự triệt tiêu cảm hứng của người xem khi không còn cảm nhận được “màu cờ, sắc áo” khi đội bóng của mình lại chỉ rặt cầu thủ nước ngoài. Dĩ nhiên, nếu muốn, chúng tôi vẫn có thể “Việt hóa” một số cầu thủ Brazil, nhưng Đà Nẵng không ủng hộ cách làm này.

Có lẽ, Đà Nẵng đã thấy rõ nét những hệ lụy của việc nhập tịch để cầu thủ nước ngoài thành cầu thủ Việt Nam. Thế nhưng, gần đây, việc nhập tịch cho cầu thủ nước ngoài đã được các CLB cả chuyên nghiệp lẫn hạng Nhất tiến hành ồ ạt. Sau khi Hoàng Anh Gia Lai có Đoàn Văn Nirut và Đoàn Văn Sakda, đến lượt Bình Dương trình làng cầu thủ Việt gốc Brazil Huỳnh Kesley.

Chưa kể Issawa, Antonio (Đồng Tâm Long An) hay Maxell, Mykola (Ninh Bình) và Lee Nguyễn (Hoàng Anh Gia Lai) đang được các CLB chủ quản gấp rút hoàn tất thủ tục để nhanh chóng trở thành cầu thủ Việt. Dĩ nhiên, các CLB được hưởng lợi trước tiên khi hợp pháp hóa việc nâng số lượng cầu thủ ngoại trong đội hình ra sân. Đổi lại, các cầu thủ chuyển đổi quốc tịch cũng sẽ nhận được những quyền lợi vật chất không nhỏ khi chấp nhận từ bỏ quốc tịch của mình, trở thành người Việt.

Thế nhưng, bóng đá Việt Nam và công tác đào tạo trẻ phải chịu những tác động xấu từ thực trạng trên.
Chưa nói đến việc, một thời điểm nào đó, các CLB rặt những “ông Tây - người Việt” và người hâm mộ sẽ không còn cảm thấy sự gắn bó với đội bóng của mình thì công tác đào tạo trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một thực tế cần được nhìn thấy gần đây là việc giá các cầu thủ nội được đẩy lên đến chóng mặt nhưng không hẳn những mức giá chuyển nhượng khổng lồ ấy tương xứng với tài năng của họ. Song, hầu như các CLB phải chấp nhận khi cầu thủ Việt Nam có chất lượng khá bắt đầu trở thành “hàng hiếm”.

Khi sức mạnh của bóng đá Việt Nam chỉ dựa vào sự bổ sung từ các cầu thủ gốc ngoại thì điều đó lại vô tình phá vỡ cấu trúc của các CLB Việt Nam. Sẽ nảy sinh tâm lý không cần đào tạo trẻ và chỉ cần một ít kiên nhẫn là có ngay các cầu thủ giỏi với quốc tịch Việt Nam! Nguy hại này có lẽ còn tệ hơn cả việc trước đó, các đội bóng nhà giàu bỏ tiền đi “săn” sao, xới tung và thao túng thị trường chuyển nhượng cầu thủ… Điều quan trọng và là tiền đề để cho một nền bóng đá phát triển, đó là phải đẩy mạnh đầu tư vào công tác đào tạo trẻ. Không vì thành công nhất thời mà đốt cháy giai đoạn, như thế rất dễ phá vỡ đi cái cấu trúc đã và đang được xây dựng bấy lâu nay.

Thứ đến, những tài năng người Việt sẽ bị thui chột khi vị trí của họ dần mất về tay những cầu thủ nước ngoài, vốn có ưu thế về thể hình, thể lực và một số kỹ năng nhất định. Rõ nét nhất, khi hiện nay ở V-League, vị trí các chân sút hàng đầu đều thuộc về các ngoại binh.

Không ngẫu nhiên khi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đánh giá cao giải bóng đá U-21 Báo Thanh Niên: “Các đội bóng ý thức rằng, để có những kết quả khả quan, cần phải quan tâm đến công tác đào tạo trẻ, thi đấu nhiệt huyết với tinh thần cống hiến cho người hâm mộ. Trên cơ sở này, lực lượng các đội tuyển quốc gia phần nào có được sự kế thừa”. Nếu không có “cái nôi” ấy, hẳn bóng đá Việt Nam sẽ chẳng có được Thạch Bảo Khanh, Thế Anh, Trọng Lộc, Đức Dương, Văn Quyến, Công Vinh, Long Giang, Quang Hải và mới đây là Danh Ngọc, Nhật Nam, Đức Thiện, Đình Tùng, Cao Cường, Nguyên Sa…

Việc nhập tịch cầu thủ ngoại là xu hướng tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, nó phải được kiểm soát một cách chặt chẽ và có giới hạn. Nếu không, đến một lúc nào đó, tương lai bóng đá Việt Nam sẽ trở thành vô định.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.