(ĐNĐT) - Khi cái tin Hoàng Anh Gia Lai thúc thủ đến 0-3 trước đội nhà nghèo Đồng Tháp trong ngày khai mạc V-League 2009 và ngay tại phố núi, lắm người đã bĩu môi: “Nào là Đặng Văn Nirut, Đặng Văn Sakda hay Lee Nguyễn…mà thua vẫn hoàn thua”. Có người lại nói vui: “Do bầu Đức khẳng định 98% vô địch nên tất cả đều bung sức để giành 2% còn lại. Thế là Hoàng Anh Gia Lai lãnh đủ!”.
Nhưng nói gì thì nói, không thể vì 1 trận thua mà có thể sớm gạt tên Gỗ ra khỏi cuộc đua đến ngôi vô địch. Hãy nhớ lại, Gạch Đồng Tâm Long An từng không ít lần khởi đầu khá ì ạch nhưng liên tiếp trong nhiều mùa, họ vẫn cán đích khá ngoạn mục. Rồi Bình Dương, từng bị tụt hậu khá sâu song cuối cùng, thầy trò ông Lê Thụy Hải vẫn bảo vệ thành công ngôi vô địch khi V-League 2008 hạ màn.
Dù bị “ngã ngựa” ở hai vòng đấu đầu tiên nhưng không ai dám gạch tên HAGL (áo trắng) ra khỏi danh sách các ứng viên vô địch V-League 2009. |
Vì thế, không ngẫu nhiên mà bầu Đức tiếp tục mạnh bạo khẳng định: “V-League chỉ bắt đầu từ Gỗ từ lượt đấu thứ hai và chúng tôi vẫn còn đến 25 trận”. Oái oăm thay khi ở vòng đấu thứ 2, đội quân phố núi lại bị một đối thủ được nhận diện là ứng viên xuống hạng - CLB TP Hồ Chí Minh - đánh bại với tỷ số 1-0 tối thiểu.
Thậm chí, dù không nói bằng lời như bầu Đức nhưng cứ nhìn cách chi tiền cho những thương vụ “tiền tấn” của T&T Hà Nội, Thể Công, Xi măng Hải Phòng…mới thấy, khát vọng vô địch chẳng phải của riêng Hoàng Anh Gia Lai. Ngay như SHB Đà Nẵng, vốn rất kín tiếng; vậy mà khi được hỏi, một lãnh đạo Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng cũng cười và úp mở: “Có điều kiện thì phải nắm bắt thôi”. Vì thế, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng phát biểu: “Cơ hội vô địch V-League 2009 sẽ rất khó khăn do hầu hết các đội đều tập trung đầu tư tối đa. Vì thế, dù chỉ lọt vào tốp 3 cũng đã là một thành công đáng kể”.
Mua sắm, dĩ nhiên không thể thiếu tiền. Mà để thi đấu hiệu quả, việc có “thóc” cũng sẽ kích thích rất lớn tinh thần của các cầu thủ. Do bước đầu hòa nhập để xây dựng bóng đá chuyên nghiệp, chuyện “mầu cờ, sắc áo” cũng gần như xa xỉ với không ít cầu thủ bóng đá. Bây giờ, cái “bản sắc địa phương” đang trở nên xa lạ với rất nhiều CLB chuyên nghiệp khi những cuộc mua - bán, đi - đến đã xáo trộn thường xuyên các đội. Vì thế, cứ “thóc” nhiều là các cầu thủ sẽ “máu” ngay. Chẳng thế mà sau hơn 5 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, bầu Đức đã đúc kết: “Có tiền là có động lực ngay”. Khi còn khoác áo SHB Đà Nẵng, tiền vệ Hồng Minh cũng chẳng phủ nhận: “Cứ mặc ai phê phán, hễ “thóc về” là bọn em nghiến răng mà đá”.
Trong cuộc chơi ở V-League, cái chất “chuyên” cũng chỉ mới được thể hiện rõ nhất qua những hợp đồng bạc tỷ, những vụ nhập tịch đình đám để biến những cầu thủ Tây thành cầu thủ ta một cách hợp lệ. Còn những cuộc đấu trên sân lại bị sức mạnh của đồng tiền chi phối quá lớn với những khoản thưởng đến hàng trăm triệu đồng. Không còn được liệt vào nhóm “nhà giàu” nhưng SHB Đà Nẵng cũng treo thưởng 300 triệu đồng cho 1 trận thắng Cúp, 400 triệu đồng cho 1 trận thắng V-League. “Nhà nghèo” như Xi măng Công Thanh Thanh Hóa cũng nhận đến 600 triệu đồng tiền thưởng cho 3 điểm giành được trước CLB TP Hồ Chí Minh.
Cho nên, những kết quả được xem là “bất ngờ” hay những xáo trộn sau một vài vòng đấu đầu tiên ở V-League 2009 vẫn chỉ là tạm thời. Ngay như Hoàng Anh Gia Lai, với sự khởi đầu bết bát, cũng chẳng ai dám nhìn họ bằng “nửa con mắt”. Vì thế, giá trị thật - dù ở mức độ tương đối - của một đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam chỉ được khẳng định khi V-League 2009 hạ màn. Bởi sự chi phối của nhiều yếu tố, cả ngoài chuyên môn, sẽ có giá trị quyết định không nhỏ đến thành tích của một đội bóng khi sân cỏ Việt Nam vẫn bị chi phối bởi…tiền.
NGUYÊN AN
Bài này có vấn đề nhạy cảm: thuê cầu thủ ngoại liên quan đến trách nhiệm, tiền, các lý do đưa ra quá mơ hồ. Hải chuyển lên xin ý kiến TBT nhé