.
THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO

Cần đầu tư thích đáng

.

Một VĐV điền kinh kỳ cựu từng bộc bạch nỗi niềm khi được hỏi về khoản thu nhập hằng tháng của một VĐV đỉnh cao như cô: “Nếu xem tiền công luyện tập như lương tháng, mỗi tháng, em chỉ nhận được khoảng 800 nghìn đồng”. Có lẽ, lời tâm sự ấy khiến những ai thực sự quan tâm đến những tài năng thể thao của thành phố cũng phải mủi lòng!.

Để gặt hái được những thành công, sự khổ luyện của các VĐV là tất yếu.

Không băn khoăn sao được khi với khoản thu nhập ít ỏi đó, những cô gái ở độ tuổi 19, đôi mươi đã phải chấp nhận hy sinh những nhu cầu trong cuộc sống vì sự đam mê với cái “nghiệp” thể thao. Với những VĐV nam, khi nhìn sang những đồng nghiệp trong làng bóng đá mà thấy chạnh lòng.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV thành phố Đặng Đông Hải cho rằng, mỗi VĐV Đà Nẵng được hưởng bình quân 1,8 triệu đồng/người/ tháng, nhưng mức này chưa hợp lý lắm, mặc dù trung tâm đã phân chia theo các mức căn cứ vào thành tích của từng VĐV ở mùa thi đấu trước. Và dù có điều chỉnh để VĐV ở mức 1 là mức cao nhất với tổng thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng thì vẫn còn thấp. Nếu so sánh với những VĐV được chuyển nhượng về khoác áo Đà Nẵng với mức lương không dưới  4 triệu đồng/người/tháng và có trường hợp cá biệt đến 15 triệu đồng/tháng, thì rất khó để những VĐV chủ lực của Đà Nẵng có thể đạt hiệu quả thi đấu tốt nhất.

Trong những ngày đầu năm 2009, ngành TDTT nói chung và Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV có được tin vui là thành phố sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các HLV giỏi, VĐV xuất sắc ở các bộ môn thể thao thành tích cao. Nếu được vậy sẽ giúp cho trung tâm tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, mà trước hết như Giám đốc Đặng Đông Hải đã từng bộc bạch:
 
“Không làm được cho anh em, làm sao nói để người ta nghe!”. Bởi trước đây, không ít VĐV đã từng có nhiều cống hiến cho thể thao Đà Nẵng, nhưng khi giã từ sự nghiệp thi đấu, hầu như tất cả đều ra đi với hai bàn tay trắng. Rất áy náy, nhưng bởi cái khó khăn “đầu tiên” là trung tâm không có kinh phí để hỗ trợ cho anh em. Rồi những VĐV đã trưởng thành và chuyển sang công tác huấn luyện cũng không nhận được những chế độ ưu đãi. Vì thế, sự thiếu toàn tâm, toàn ý ở một bộ phận HLV, VĐV là tất yếu.

Trung tâm đã đề xuất xin thêm thành phố một khoản trợ cấp thường xuyên hằng năm cho những HLV, VĐV xuất sắc. Cụ thể, những HLV có VĐV giành được thành tích vô địch quốc gia sẽ được đề xuất trợ cấp 2 triệu đồng/tháng/người (cả HLV và VĐV giành HCV), hưởng trong 12 tháng và được hưởng 1 năm sau khi đạt thành tích.  

Để thể thao Đà Nẵng đạt mục tiêu xếp vị trí thứ 7/64 đơn vị tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) sắp khởi tranh tại Đà Nẵng, đầu tư cho thể thao thành tích cao của Đà Nẵng là cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi đó sẽ là nền tảng để thể thao Đà Nẵng có thể vươn đến một tầm vóc mới, tương xứng với vị thế của thành phố động lực của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên…

BẢO AN

;
.
.
.
.
.