.

Tiếng gọi của quá khứ

.

Nhiều người gọi chuyến trở về của huấn luyện viên Ranieri – người dẫn dắt đội Juventus - ở sân Stamford Bridge trong trận lượt đi vòng 1/16 Champions League vừa rồi là một trong những cuộc trở về lý thú và hấp dẫn mà bóng đá châu Âu mùa này dâng tặng cho công chúng. Đó là chuyến đi của một nhân vật thất sủng trở lại chính nơi chốn đã đành đoạn chia tay không thương tiếc với mình, một người từng có những đóng góp tích cực cho tiến trình đi lên của Chelsea sau thời gian nhà tỷ phú Abramovich ngồi vào ghế chủ tịch.

HLV Ranieri.

Dẫn đầu một Juventus đang phục sinh và nỗ lực tìm lại thời vàng son, Ranieri tất nhiên bước vào cái sân bóng thân yêu thuở nào với dáng dấp hiên ngang. Dại gì mà không hiên ngang khi sau thời gian cay đắng rời chỗ ngồi trong khu kỹ thuật của Chelsea, ông vẫn băng băng tiến về phía trước và không có gì cho thấy vết thương lòng năm xưa còn gây nhức buốt có thể khiến ông quỵ ngã. Juventus của ông vẫn vững vàng ở giải vô địch quốc gia Ý và giờ đây trở thành lực cản thách thức khát vọng của Chelsea trên đường chinh phục chiếc cúp danh giá nhất châu lục.

“Tôi vẫn là tôi, vẫn khát khao tìm cơ hội thể hiện năng lực để giành một chỗ cần thiết trong lòng công chúng!”, ông nói thế trong những ngày ở London chuẩn bị cuộc thư hùng Chelsea-Juventus. Đứng bên này chiến tuyến chống lại bao gửi gắm khát vọng mà công chúng thủ đô Anh dành cho đội bóng con cưng của mình, Ranieri như đang vịn vào tiếng nói của quá khứ nhiều công trạng làm vũ khí chống lại đối thủ.

“Nghĩ mà xem, dù tôi không mang lại cho Chelsea ngày ấy danh hiệu nào nhưng chắc hẳn công chúng không thể sớm quên những gì tôi đã góp sức để xây dựng nên một Chelsea ngày càng đi lên”. Đó, thấy chưa! Làm sao không có phần trách cứ trong lời lẽ, giọng điệu ấy! Ranieri nói rằng ngày ấy ông vẫn khao khát được tiếp tục làm việc với Chelsea nhưng người ta đã nhẫn tâm cắt đứt cơ hội của ông.

Vậy thì xin đừng trách nếu Juventus có khiến cho Chelsea gãy gánh giữa chừng trong mùa Champions League này! Thông điệp của Ranieri là thế. Dù còn chờ đến trận lượt về trên đất Ý gần hai tuần nữa mới biết cuộc trả thù của ông thành hay bại nhưng ngay từ lúc này, công chúng có thêm một phần thích thú khi dõi theo hành trình cay độc lần theo tiếng gọi quá khứ của chuyên gia này.

Khán giả sân Stamford Bridge sẽ không trách ông đâu, hỡi ông già người Ý! Cũng như người hâm mộ nước Pháp rạng sáng 25-2 không hề trách cứ người con Pháp Thierry Henry khi anh dũng cảm bay người đánh đầu đưa bóng vào lưới Lyon, tìm được trận hòa quý giá cho đội khách Barcelona và làm giảm đi rất nhiều hy vọng đi sâu vào giải của đại biểu bóng đá Pháp.
 
Chàng trai Pháp đang thi đấu cho màu cờ sắc áo của một câu lạc bộ Tây Ban Nha đêm ấy dường như cũng được thúc giục không ngừng bởi tiếng gọi của quá khứ, một quá khứ bi hùng khi Arsenal của anh bị chính Barcelona đánh bại đau đớn trong trận chung kết Champions League năm nào. Henry đang tìm chiếc cúp cho riêng mình và bàn gỡ hòa của anh đã được đánh giá như một động lực tinh thần đầy ý nghĩa vực dậy khát vọng của một Barca quyết chinh phục đỉnh cao châu Âu.

Cùng với họ, những chiến binh Tây Ban Nha đang khoác áo Liverpool như Torres, Arbeloa, Reina, Alonso, Riera cũng vừa thực hiện chuyến trở về quá khứ lý thú trên sân Bernabeu khi đối đầu với kỳ phùng địch thủ Real Madrid trong sứ mạng khác thường là giúp một đội Anh chặn đường tiến của một đội Tây Ban Nha. Trong đó, riêng Arbeloa từng trải qua thời tuổi trẻ luyện tập và chơi bóng ở chính sân vận động này. Đêm Bernabeu vừa rồi, có ai hỏi chàng trai này về xúc cảm trở về một phần đời trai trẻ khi nghe trùng trùng âm thanh vang vọng từ bốn phía khán đài ở cái sân bóng mà mình đã lớn lên?

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.