.

Xanh xao “The Blues”

.

Chưa bao giờ, cái màu xanh của “The Blues” - theo quan niệm của người châu Âu - trọn vẹn ý nghĩa hơn lúc này. Ngự trị trên sân Stamford Bridge lúc này là sự ảm đạm như câu hát: “Blue, blue, my world is blue…”. Khoảng cách giữa họ với “The Red Devils” càng xa vời hơn; thậm chí, vị trí thứ 3 cũng đã thuộc về Aston Villa. Đến lúc này, người ta mới giật mình về bảng thành tích tồi tệ nhất của Chelsea thời Roman khi đội chủ sân Stamford Bridge đã để mất đến 16 điểm trong 13 trận được thi đấu tại đây. Hơn nữa, đã 2 trận liên tiếp Chelsea không biết đến chiến thắng.

Sự giận dữ đến tột cùng của người hâm mộ với Big Phil…

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng trầm trọng ở Chelsea cũng đã được tháo gỡ với việc Big Phil phải ra đi sau 7 tháng chèo lái “con thuyền” Chelsea. Sự thất vọng về Scolari hoàn toàn có thể lý giải, nhất là sau khi bị Hull City - từng bị họ đè bẹp 3-0 trên sân khách - chia điểm ngay tại Stamford Bridge. “Tuần trăng mặt giữa Scolari và Chelsea đã chấm dứt”, “Big Phil đã cảm nhận sức nóng Stamford Bridge” hoặc “Scolari chuẩn bị ra sao cho cuộc “xưng tội” trước Abramovich?” - những dòng tít kiểu thế này tràn ngập trên các mặt báo vào tháng 11-2008 - khi “The Blues” đã “xanh xao” với 3 trận đấu liên tiếp không thắng ở cả Premier League lẫn Champions League.

Tờ The Sun đã đưa ra thống kê cho thấy, Scolari là HLV Chelsea có khởi đầu tồi tệ nhất dưới thời Abramovich. Tính trong 15 trận đầu tiên tại Chelsea, Jose Mourinho đạt tỷ lệ chiến thắng 78,2%, Claudio Ranieri 77,3%, Avram Grant 63,6%, trong khi Scolari chỉ 59,1%.

Cùng lúc, bình luận viên Phil McNulty - Trưởng ban bóng đá BBC - bổ sung, Chelsea từng thua 2 trận trước Liverpool, Arsenal (và chỉ hòa M.U) đều trên sân nhà. Không chỉ thế, trong tổng số 5 trận đã đấu với 3 đối thủ trên, Chelsea đã có đến 4 thất bại. Và con số này có thể thành 5 khi ngày 9-5-2009, họ phải làm khách trên sân Emirates của Asenal.

Thực ra, đây là hệ quả tất yếu mà “The Blues” phải gánh chịu. Vào tháng 7-2008, Sir Alex Ferguson từng nhận định, Chelsea là đội bóng “đã lên đến đỉnh”, với hàm ý, đội bóng này sẽ chỉ có thể đi xuống khi dàn cầu thủ đã thấm mệt vì tuổi tác sau nhiều năm chinh chiến. Sir Alex nói thế ngay cả khi các ông chủ Arab còn chưa xuất hiện và trước khi Roman Abramovich lao đao vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bây giờ họa hoằn lắm ông chủ Abramovich mới có mặt trên khán đài của sân Stamford Bridge khi không còn hứng thú bởi đội bóng mà ông gửi gắm nhiều tham vọng không còn được nể trọng như xưa. Kể từ khi Abramovich mua Chelsea và biến CLB này thành một thế lực bóng đá - không chỉ ở Anh mà ở cả châu Âu - người ta không nhớ, có khi nào Chelsea chỉ thắng được 3 trong chuỗi 10 trận liên tiếp ở Premier League hay không! Vậy mà điều đó đã diễn ra từ cuối tháng 12 đến nay!

…Bởi Chelsea dưới thời Scolari dễ dàng bị đánh bại hơn bao giờ hết.

Vấn đề của Chelsea không phải là đến từ chấn thương của những Essien, Carvalho, Ashley Cole, hay Ballack. Cái chính là việc Chelsea đã bất lực trong việc thể hiện bản lĩnh, nền tảng giúp họ tạo được tính hiệu quả trong những thời điểm quyết định. Liên tiếp những dấu hiệu cho thấy, Chelsea đánh mất sự tập trung mỗi khi phải bước vào những thử thách cam go. Chelsea hiểu rõ mục tiêu của mình, nhưng họ lại không có đủ kiên nhẫn để chiến thắng sự khô cứng và căng thẳng mỗi khi lâm trận. Chelsea đã trở thành cỗ xe tăng nặng nề, chứ không phải còn là một đấu sĩ nhanh nhẹn trong bộ giáp sắt nữa.

Ngay sau khi đặt chân xuống Stamford, vị HLV người Brazil lập tức đặt ra mục tiêu quá “hớp”: Chelsea sẽ giành cú ăn tư ở mùa giải này. Chỉ hơn nửa chặng đường, Big Phil đã trở thành kẻ khoác lác khi “The Blues” bị Burnley loại khỏi Carling Cup, còn chức vô địch Premier League đã ngoài tầm tay. Trong 36 trận đấu dưới thời ông, Chelsea thắng 20, hòa 11 và thua 5, để chỉ đạt tỷ lệ 60,60%. Chưa kể, nỗi đau khi thành tích bất bại sân nhà của Chelsea được “Người đặc biệt” Mourinho tạo dựng đã bị Scolari phá hỏng với thất bại ở trận đấu thứ 86 trước “Lữ đoàn Đỏ”.

Dù muốn nhớ hay không về Mourinho nhưng tất cả đều thừa nhận, Jose đã biến Chelsea thành một đội bóng có kỷ luật cao và buộc mỗi cầu thủ phải luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Sự chặt chẽ dưới thời Mourinho khiến Chelsea luôn mang lại cảm giác bất an cho bất kỳ đối thủ nào. Ngược lại, lúc này, Chelsea không còn lạnh lùng đến mức đáng sợ.

Chelsea không còn hủy diệt đối thủ bằng rất nhiều ngón đòn mà chẳng ai có thể ngờ tới. Chelsea không còn biết co lại để chịu sức ép trước khi bung ra khiến đối phương phải gục ngã. Đơn giản, Chelsea của Scolari đã không còn bản sắc riêng như Chelsea của Mourinho. Và khi Chelsea của Roman bị đánh bật ra khỏi tốp 3, việc “thuyền trưởng” bị đánh bật khỏi vị trí điều hành con tàu là tất yếu!

Bảo An

;
.
.
.
.
.