.

Bóng đá thời khủng hoảng

.

Tạp chí Thể thao Sport (Anh) vừa công bố danh sách 20 CLB bóng đá giàu nhất thế giới với tổng thu nhập mùa bóng 2007-2008 từ mức thấp nhất (hơn 82 triệu bảng Anh) đến cao nhất (gần 300 triệu bảng Anh). Top 4 gồm có các “đại gia” Real Madrid (289,6 triệu), Manchester United (257,1 triệu), Barcelona (244,4 triệu), Bayern Munich (233,8 triệu). Chỉ trong mùa bóng vừa qua, 20 CLB hàng đầu đã có thu nhập lên đến 3,1 tỷ bảng Anh.

Dù kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng nhưng CLB Real Madrit vẫn không bị ảnh hưởng nhờ những hợp đồng dài hạn.

Thu nhập của các CLB dựa trên 3 nguồn: Từ truyền thông (bản quyền truyền hình); thu nhập trực tiếp từ các trận đấu (vé vào sân) và thu nhập từ các hoạt động thương mại.

Nếu Real thu được 107 triệu bảng từ truyền thông và 80 triệu từ bán vé thì con số tương ứng của M.U là 91 triệu và 101 triệu bảng. Real cũng thu được 102,1 triệu so với 64 triệu của M.U từ hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu rõ ràng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều CLB. Nhà tài trợ BenQ của Real đã phá sản trong lúc AIG - tài trợ chính cho M.U - phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Mỹ.

Thế nhưng, các CLB vẫn có thể bảo đảm hoạt động của mình thông qua những hợp đồng dài hạn về truyền hình và thương mại. Chẳng hạn, nguồn tài chính của Real Madrid vẫn được bảo đảm qua bản hợp đồng truyền hình với hãng truyền thông Mediapro (Tây Ban Nha), thời hạn 7 năm. Trong khi đó, M.U vẫn còn hợp đồng 300 triệu bảng với Nike, có hiệu lực đến năm 2013. Cũng cần nói thêm, với Premier League, nguồn thu từ hợp đồng truyền hình rất quan trọng với các CLB khi tổng trị giá các hợp đồng từ 2007-2010 của các CLB là 2,7 tỷ bảng. Hằng năm, Premier League kiếm trung bình 766 triệu bảng từ nguồn thu này và mỗi đội tham gia có được 23,1 triệu bảng.

Nói thế nhưng hiện nay, các CLB Premier League đang ngày càng lo lắng. Có đến 78% CLB cảm thấy khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính, 89% CLB phải sử dụng đến hơn 90% nguồn lực tài chính của mình ở ngân hàng, trong khi 67% CLB phải “tái cơ cấu” đội bóng.

Cùng lúc, ngày càng có nhiều fan hâm mộ trả vé mua dài hạn với lý do, thu nhập của nhiều gia đình giảm, nhiều người mất việc, giá cả nhiều mặt hàng gia tăng. Do đó nhu cầu tới sân xem trực tiếp của nhiều khán giả trung thành không thể được duy trì. Vì thế, rất nhiều CLB đang cuống cuồng. Như Wigan, Blackburn, Bolton, Sundderland và Middlesborough chỉ sử dụng được hết 80% công suất ghế ngồi trên khán đài.

Để đối phó, nhiều CLB Anh bắt đầu chuẩn bị các chiêu khuyến mãi, giảm giá trong khi các chi phí vận hành và trả lương các cầu thủ, HLV khó giảm.

Ibrahimovic đang là cầu thủ có mức lương  hàng tuần cao nhất châu Âu hiện nay.

Trong 21 cầu thủ có mức lương tuần cao nhất ở các CLB thuộc nền bóng đá lớn, mức dao động từ 105 nghìn bảng/tuần như của Robinho (Man City) - xếp vị trí 21 - đến Ibrahimovic (Inter Milan) và Kaka (AC Milan) - đứng thứ nhất và thứ hai - cùng kiếm được 166 nghìn bảng/tuần. Riêng tại Premier League, ngoài Robinho, John Terry và F.Lampard (Chelsea) kiếm 140 nghìn bảng/tuần, C.Ronaldo (MU, 125 nghìn bảng/tuần), M.Ballack (Chelsea, 120 nghìn bảng/tuần), S.Gerrard (Liverpool) và Rio Ferdinand (M.U) kiếm được 120 nghìn bảng/tuần, Rooney (M.U) và M.Owen (Newcastle) cùng kiếm được 110 nghìn bảng/tuần.

Trong khi mức lương hằng năm của các HLV cũng ngất ngưởng. Trong 6 HLV hưởng lương cao nhất, Arsene Wenger (Arsenal) lĩnh 4,5 triệu bảng/năm. Còn lại, Ferguson (M.U) lĩnh 3,6 triệu bảng/năm, David Moyes (Everton), 3,2 triệu bảng, Harry Redknapp (Tottenham), 3 triệu bảng, Mark Hughes (Man City), 3 triệu bảng và Rafael Benitez (Liverpool), 2,5 triệu bảng. Tuy nhiên, không ai có thể sánh với “Người Đặc biệt” Jose Mourinho (Inter Milan) với mức lương 7 triệu bảng/năm.

Theo các chuyên gia, khủng hoảng tài chính sẽ ít tác động vào các siêu cầu thủ và siêu HLV vì đây vẫn là khu vực có quy luật đặc biệt. Chỉ có những bản hợp đồng chuyển nhượng ở cầu thủ và HLV cấp thấp mới chịu ảnh hưởng.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.