Đầu tư có trọng điểm với các dự án mang tính lâu dài ở tầm vĩ mô nhằm hướng đến cái đích xa hơn để tiếp cận với các nền bóng đá tiên tiến, là chiến lược cốt tử của bóng đá Thái Lan trong lúc này. Thực hiện chiến lược này, cơ quan quản lý nền bóng đá Thái Lan biết huy động sức đóng góp chung của toàn xã hội, trong đó, hệ thống giáo dục chiếm vai trò rất lớn trong việc đào tạo, phát hiện, cung cấp mầm non năng khiếu đúng chuẩn cho ngành thể thao nói chung, bóng đá nói riêng.
HLV Chatchai (phải). (Ảnh tư liệu) |
Nói thật mất lòng, những nhận xét của ông Chatchai có thể gây chối tai đối với không ít quan chức có trách nhiệm của VFF, những người đang tìm cách tô vẻ công trạng của bản thân sau một số thành công của bóng đá Việt Nam trên sân chơi khu vực. Nhưng tĩnh tâm nghĩ lại, với những người làm bóng đá tâm huyết, thường thao thức về con đường đi lên của bóng đá nước nhà, những điều chuyên gia người Thái đưa ra đáng được xem như một thang thuốc đắng giã tật, giúp nhìn rõ chỗ mạnh, điểm yếu để chữa trị các căn bệnh lưu niên của làng bóng nước nhà.
Dù ông Chatchai không chỉ đích danh nhưng ai cũng nhận ra một điểm yếu của bóng đá Việt Nam được ông nhận diện chính là tình trạng các câu lạc bộ mải chạy theo thành tích trước mắt mà bỏ quên các mục tiêu phát triển lâu dài, mang tính căn cơ. Biểu hiện rõ nhất của căn bệnh này là cách làm bóng đá ăn xổi ở thì, thiếu các giải pháp đầu tư căn cơ từ việc chăm lo hệ thống đào tạo trẻ, từ nỗ lực coi trọng các giá trị nhân văn chân chính của thể thao hơn là đuổi theo chút thành tích hào nhoáng bước đầu.
Thế cho nên mới có chuyện ào ạt nhập tịch cầu thủ ngoại để đối phó với quy định về số lượng cầu thủ nước ngoài trong một giải đấu, chuyện nhiều cầu thủ trong nước mới tạo được vài đường nét triển vọng đã sớm thui chội tài năng vì thói ngôi sao…
Các cầu thủ và cả huấn luyện viên Việt Nam dành quá ít thời gian cho việc trau dồi tính chuyên nghiệp, năng lực thể hiện chất chuyên nghiệp. Có lẽ phải ngàn lần cảm ơn Chatchai về lời nhận xét bộc trực mà chí tình này. Những biểu hiện thiếu tính nhân văn - thậm chí vắng bóng nét văn hóa thường có giữa cầu thủ với khán giả - xảy ra gần đây trên sân chơi V-League và Giải hạng nhất cho thấy lỗ hổng trong việc chăm lo phần hồn cho cầu thủ và cho cả đội bóng ngày càng sâu thêm.
Chính trong những ngày này đã xuất hiện nhiều lời ta thán từ phía công chúng và các nhà chuyên môn về hiện tượng không ít “ông chủ câu lạc bộ mới tập tành làm bóng đá đã tác oai tác quái bằng các hành vi chơi ngông”.
Hãy dành thời gian nhiều hơn cho việc tập làm bóng đá chuyên nghiệp, không chỉ trên sân đấu, trong khu kỹ thuật mà cả trên bàn làm việc của các quan chức điều hành!
Nguyễn Đình Xê